Cụ thể, BIDV đã phát hành lô trái phiếu BIDL2343005. Khối lượng phát hành là 500 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 500 tỷ đồng.
Lô trái phiếu có thời hạn 20 năm, ngày đăng ký phát hành là 1/8/2023 và ngày đáo hạn là 1/8/2043, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 7,7%/năm.
Đây là đợt phát hành thứ 4 kể từ cuối tháng 6/2023, khi BIDV cho biết sẽ phát hành 8.100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo để tăng vốn cấp hai trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023.
Các đợt phát hành trước là vào ngày 29/6/2023 với lô trái phiếu BIDLH2329001 có thời hạn 6 năm, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,7%/năm. Khối lượng phát hành là 490 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng.
Đợt thứ 2 vào ngày 14/7/2023 với lô trái phiếu BIDLH2330002 có thời hạn 7 năm, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 7%/năm. Khối lượng phát hành là 195 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng.
Và đợt thứ 3 vào ngày 28/7/2023 với lô trái phiếu BIDL2338003 có thời hạn 15 năm, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 7,6%/năm. Khối lượng phát hành là 460 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng.
Như vậy, BIDV đã phát hành tổng 1.645 tỷ đồng trái phiếu sau 2 tháng.
Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi trái phiếu sẽ được trả sau, định kỳ hàng năm hoặc tuỳ theo quy định cụ thể của BIDV vào mỗi đợt phát hành. Gốc trái phiếu được trả 1 lần vào ngày đáo hạn trừ trường hợp trái phiếu được BIDV mua lại trước hạn.
Về kết quả kinh doanh tại BIDV, trong 6 tháng đầu năm, nhờ chi phí trích lập dự phòng rủi ro giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, kết quả, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Với con số này, BIDV đã vượt Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận nửa đầu năm cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản BIDV ở mức gần 2,13 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 1,629 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9%, đạt xấp xỉ 1,55 triệu tỷ đồng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 17% (hồi cuối năm 2022 là 18,9%).
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 47% trong 6 tháng đầu năm lên 25.970 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 145% lên gần 7.730 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 96% lên 5.278 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 10% lên 12.963 tỷ đồng.