Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI. |
Đây là thông tin được nêu trong báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ, chiều 21/7.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, lãnh đạo các cấp đánh giá Bộ được giao nhiều đề án khó và quan trọng. Trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT được giao chủ trì xử lý nhiều đề án, nhiệm vụ nhất trong khối Bộ, cơ quan ngang Bộ, với 22 trong tổng số 155 đề án.
Cụ thể, về công tác kế hoạch, tham mưu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điều hành về kinh tế vĩ mô.
Về đầu tư công, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2023 bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra tiếp tục tham mưu, đẩy nhanh phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại của các bộ, cơ quan và địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án giao thông đường bộ.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: MPI. |
Về quản lý quy hoạch, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong triển khai lập quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với quy hoạch 5 vùng còn lại, Bộ đang khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật và Nghị quyết số 61/2022/QH15.
Trong triển khai lập quy hoạch tỉnh, đến nay, đã có 44/63 tỉnh đã thẩm định xong. Trong đó, 10/63 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, 30/63 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt, 4/63 quy hoạch tỉnh Thủ tướng Chính phủ đang xem xét chuẩn bị phê duyệt. 11/63 quy hoạch tỉnh đang trong quá trình thẩm định.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, để góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, nghị định thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong 6 tháng qua, Bộ cũng đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ/ngành. Mặc dù là một trong những Bộ nhận được số lượng kiến nghị, đề xuất nhiều nhất, song tỷ lệ giải quyết của Bộ cũng thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất. Tính đến ngày 10/7, Bộ đã hoàn tất xử lý 166/177 kiến nghị, đạt 94%.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT còn xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
"Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ.