Bộ NN&PTNT ra công điện khẩn liên quan đến dịch cúm H5N1

H5N1 Cúm
15:56 - 26/02/2023
Bộ NN&PTNT ra công điện khẩn liên quan đến dịch cúm H5N1
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/2, Bộ NN&PTNT đã phát đi Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Công điện đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) diễn ra trong bối cảnh tỉnh Prey Veng của Campuchia đã ghi nhận trường hợp tử vong trên người do vi rút cúm A/H5N1 vào ngày 23/2.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông.

Chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Bộ NN&PTNT yêu cầu cần tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Nam), gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Bên cạnh đó, tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.

Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua Hệ thống Thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y và đơn vị liên quan thuộc cục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó, ngày 23/2, Campuchia ghi nhận cái chết của một bé gái 11 tuổi do nhiễm cúm gia cầm H5N1. Chính phủ nước này đã tiến hành xét nghiệm 12 người có tiếp xúc gần, trong đó cha của bé gái có kết quả dương tính với virus sau khi ghi nhận các triệu chứng của bệnh.

Trước tình hình trên, trong một cuộc họp ngắn trực tuyến ngày 24/2, tiến sĩ Sylvie Briand, giám đốc phòng chống dịch bệnh và đại dịch cho biết WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đang xem xét đánh giá rủi ro toàn cầu của dịch cúm gia cầm trên cơ sở những diễn biến gần đây.

Tại Việt Nam, ngày 24/2 Viện Pasteur TP HCM cũng ra công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan đến cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1).

Trong đó, các đơn vị tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virus gây ra, đặc biệt chú ý đến các hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng có dịch; các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ người ra/vào/ở vùng có dịch cúm gia cầm A (H5N1), phối hợp với đơn vị kiểm dịch động thực vật giám sát gia cầm, động vật thủy sản vào Việt Nam qua cửa khẩu và đường mòn lối mở...

Tin liên quan

Đọc tiếp