Từ trái sang phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: PTI |
"Chúng tôi quyết định mời 6 nước này trở thành thành viên chính thức của BRICS. Tư cách thành viên của họ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024", Tổng thống Nam Phi Ramaphosa - người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, cho biết trong tuyên bố ngày 24/8, theo CNN.
Các cuộc tranh luận về việc mở rộng khối kinh tế này là một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày qua ở Johannesburg, Nam Phi. Theo đó, tất cả thành viên BRICS đều ủng hộ việc tăng quy mô khối.
Các lãnh đạo BRICS nhất trí kết nạp thêm 6 thành viên mới. Ảnh: Bloomberg |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ông ủng hộ việc kết nạp các thành viên mới và hoan nghênh hội nghị tiến tới sự đồng thuận. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết việc mở rộng khối sẽ “tập hợp sức mạnh của chúng ta, tập hợp trí tuệ của chúng ta để làm cho việc quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn”, theo CNN.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng nước này “sẽ cởi mở với các ứng viên mới”. Ông cho rằng “sự quan tâm gia nhập của các nước cho thấy việc BRICS theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới phù hợp đến thế nào”.
Việc công bố 6 thành viên mới của BRICS được đưa ra vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay, đánh dấu sự mở rộng lần thứ hai của khối kể từ khi kết nạp Nam Phi vào năm 2010.
Trong một video phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng các thành viên mới của BRICS và nói thêm rằng sự ảnh hưởng toàn cầu của khối sẽ tiếp tục gia tăng. Đề cập đến vấn đề đồng tiền chung cho các nước BRICS, ông cho rằng đây là “câu hỏi khó", nhưng khẳng định các thành viên “sẽ hướng tới giải quyết điều này”.
BRICS được thành lập vào năm 2009, gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi vào năm 2010. Các nước BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và tạo ra hơn 30% GDP toàn cầu.
Thượng đỉnh BRICS năm nay có sự tham gia trực tiếp của 4 nhà lãnh đạo, gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa – nước chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự BRICS thông qua hình thức trực tuyến, trong khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov là đại diện của Moscow tại cuộc họp ở Johannesburg.
Giới chức Nam Phi cho biết có hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó có 22 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập.