Ảnh minh họa |
Trong báo cáo về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 8/2024 mới phát hành, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh kể từ 10/07/2024, khi các thông tin không tích cực xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên nhờ nhịp tăng tốt vào đầu tháng, chỉ số kết thúc tháng 7 vẫn tăng nhẹ 6,19 điểm (0,5%) so với tháng 6.
Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hiện hữu trong bối cảnh dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước có phần chững lại; áp lực tỷ giá VND/USD mặc dù không còn căng thẳng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao; kết quả kinh doanh quý 2/2024 của các doanh nghiệp đã phản ánh lên diễn biến giá nhưng không đủ động lực để thị trường tăng điểm ấn tượng trong bối cảnh không có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường.
Sau nhịp điều chỉnh, BSC dự báo 3 kịch bản cho VN-Index năm 2024. Ở kịch bản tiêu cực, chỉ số tiệm cận 1.200 điểm. Ở kịch bản tích cực, chỉ số hướng đến 1.425 điểm. Còn kịch bản cơ sở với xác suất cao hơn là VN-Index sẽ ở mốc 1.298 điểm.
Thep BSC, P/E VN-Index kết thúc 31/7/2024 ở mức 13,45 lần, giảm 9,47% so với tháng 5, chiết khấu 14% so với P/E trung bình 5 năm và ở gần vùng -1 độ lệch chuẩn. P/B tháng 7 ở mức 1,71 lần. Nhịp điều chỉnh trong tháng 7 khiến P/E VN-Index trở về vùng định giá hấp dẫn hơn so với tháng 6, mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu cho hoạt động đầu tư trung hạn. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 14,5 - 15,25 trong kịch bản tích cực khi VN-Index tiến đến vùng 1.325 điểm.
Thanh khoản trung bình tháng 7/2024 trên cả 3 sàn đạt 19.368 tỷ đồng/phiên, giảm 26,52% so mới tháng 6. Nhịp điều chỉnh mạnh cuối tháng 6 khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trở nên thận trọng, do vậy thanh khoản trên thị trường tháng 7 ghi nhận sự sụt giảm. Môi trường lãi suất thấp tiếp tục là động lực thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường, hấp thụ lực bán của khối ngoại.
Dư nợ margin quý 2/2024 tăng 13,88% so với quý trước, thiết lập mức kỷ lục mới. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh trong quý đầu năm 2024 nhờ lợi nhuận tăng mạnh và hoạt động tăng vốn. Do vậy, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu tại quý 2/2024 là 84,24%, thấp hơn 26% so với giai đoạn cuối năm 2021.
P/E chiết khấu 14% so với P/E trung bình 5 năm. Nguồn: BSC |
Về diễn biến dòng tiền ETF, với các ETF ngoại, trong tháng 7 rút ròng hơn 48,8 triệu USD, trong đó ETF Fubon rút ròng hơn 36,4 triệu USD, FTSE rút 12,4 triệu USD. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2024, nhóm ETF ngoại rút ròng hơn 196,6 triệu USD. Phần lớn các ETF vẫn ở trong trạng thái giảm giá, do đó áp lực bán ròng sẽ tiếp tục hiện hữu.
Sự kiện BlackRock giải thể quỹ ETF iShares khiến diễn biến khối ETF ngoại trong trạng thái rút ròng mạnh từ đầu năm, bên cạnh động thái giảm ròng quy mô của ETF Fubon (bất chấp thông tin tích cực khi UBGSTC Đài Loan chấp thuận tăng vốn).
Các ETF nội thu hẹp đà rút ròng nhưng giá trị rút gần tương đương tháng 6 khi đạt giá trị 47,1 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, ETF nội rút ròng hơn 434,3 triệu USD – là nhóm ETF rút ròng mạnh nhất, tập trung ở 3 ETF chính là Diamond (314,6 triệu USD), Finlead (71,5 triệu USD), E1 (47,9 triệu USD). Nguyên nhân khiến khối ngoại rút ròng là do chênh lệch giữa lãi suất điều hành của Fed với đồng USD (5% - 5,25%/năm) và lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước với VND (4,5%/năm). Điểm tích cực là nhà đầu tư Thái Lan đã quay trở lại mua chứng chỉ DR ETF Diamond, E1 từ cuối tháng 6/2024.
Cập nhật kinh tế vĩ mô, BSC cho biết, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% trong cuộc họp ngày 30 - 31/7; phát tín hiệu sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tháng 9; giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán từ tháng 6 năm nay, theo đó, giảm lượng trái phiếu chính phủ đến hạn mà không tái đầu tư hàng tháng từ 60 tỷ USD xuống 20 tỷ USD. Như vậy, mỗi năm Fed sẽ cắt giảm khoảng 300 tỷ USD trái phiếu chính phủ, thấp hơn mức 720 tỷ USD kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 6/2022.
Tại Châu Âu, ECB đã ngừng hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 7 do lạm phát cao hơn dự báo, nhấn mạnh không cam kết một lộ trình hạ lãi suất cụ thể mà điều hành dựa trên dữ liệu kinh tế.
Trung Quốc vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng cùng nhiều gói kích thích kinh tế, hạ 0,1% lãi suất cơ bản với khoản vay một năm và 5 năm.
Diễn biến lãi suất điều hành ở ba nền kinh tế lớn. Nguồn: BSC |
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý 2/2024 đạt 6,93%, chủ yếu do khu vực FDI (xuất nhập khẩu và giải ngân vốn), trong khi tiêu dung trong nước vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá. Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6 – 6,5%.
Tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng khoảng 5,66% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ từ mức 6% của tháng 6, cao hơn thời điểm cuối tháng 7/2023 nhưng ở mức thấp khi so với các năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không đồng đều.
Tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với đầu năm (cùng kỳ 2023 tăng 3,68%). Tăng trưởng tín dụng hồi phục cùng với huy động vốn yếu (do mặt bằng lãi suất tiền gửi đã ở mức thấp trong một thời gian dài) gây ra tình trạng thiếu vốn, khiến mặt bằng lãi suất huy động trong tháng 7 tiếp tục tăng.
Theo BSC, SBV điều tiết thanh khoản hệ thống bằng cách kết hợp đồng thời cả bơm và hút tiền trên OMOs: trong tháng 7 đã hút ròng 41.320 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm duy trì ổn định ở mức cao trong tháng 7 (trung bình tháng 7 đạt 4,65%, tăng từ mức trung bình 3,91% của tháng 6). Thanh khoản hệ thống thu hẹp do chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động; tình trạng thiếu tiền tại một số ngân hàng sau một thời gian duy trì lãi suất ở mức thấp và ảnh hưởng từ hoạt động bán ngoại tệ, hút đồng nội tệ về của SBV.
Lãi suất liên ngân hàng trong tháng 7 duy trì ở mức cao. Nguồn: BSC |
SSI nêu ba yếu tố hỗ trợ TTCK, kỳ vọng sức bật của cổ phiếu đầu ngành sữa Nếu kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán (TTCK) về dài hạn. |