Trong một tuyên bố cuối ngày 25/4 đăng trên mạng xã hội Toutiao, ByteDance khẳng định, không có kế hoạch bán ứng dụng TikTok. Động thái này như một cách đáp trả thông tin tờ The Information đưa tin trước đó rằng, ByteDance đang cân nhắc bán TikTok tại Mỹ không kèm thuật toán đề xuất video.
Theo Reuters, các thuật toán mà TikTok đang sử dụng được xem là cốt lõi đối với hoạt động tổng thể của ByteDance. Bởi vậy, gần như chắc chắn công ty Trung Quốc sẽ không bán ứng dụng với những thuật toán đi kèm.
Hơn nữa, TikTok chỉ đóng góp phần nhỏ trong tổng doanh thu của ByteDance. Vì vậy, trong trường hợp xấu nhất xảy ra, việc đóng cửa ứng dụng này tại Mỹ cũng không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của ByteDance.
ByteDance không công khai chi tiết tình hình kinh doanh của các công ty con. Doanh nghiệp này có nguồn thu chính tại Trung Quốc, chủ yếu từ những ứng dụng khác như Douyin - một phiên bản giống như TikTok dành cho thị trường quê nhà.
Thị trường Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu TikTok năm ngoái. Năm 2023, doanh thu ByteDance đạt 120 tỷ USD, tăng từ 80 tỷ USD của một năm trước đó. Người dùng hằng ngày (DAU) của TikTok tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng DAU của ByteDance.
Theo Reuters, việc tách TikTok khỏi các thuật toán khó có thể xảy ra khi giấy phép sở hữu trí tuệ được đăng ký theo ByteDance ở Trung Quốc. Bởi vậy, việc tìm kiếm giải pháp tách thuật toán khỏi ứng dụng tại thị trường Mỹ trở thành quy trình cực kỳ phức tạp.
Ngoài ra, việc tách các thuật toán khỏi tài sản của TikTok tại Mỹ sẽ là thủ tục cực kỳ phức tạp và ByteDance khó có thể xem xét lựa chọn đó, Reuters cho biết thêm.
ByteDance từ chối bình luận về thông tin này. Đáp lại câu hỏi từ Reuters, phát ngôn viên của TikTok đã đề cập đến tuyên bố của công ty mẹ ByteDance trên nền tảng Toutiao.
Trung Quốc từng tuyên bố phản đối việc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ. Trong một cuộc họp báo ở Beijing (Trung Quốc) hồi tháng 3/2023, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối việc ép bán TikTok. Việc bán hoặc thoái vốn khỏi TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép hành chính theo luật và quy định của Trung Quốc".
Đạo luật mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc dừng hoạt động tại Mỹ, có thời hạn cuối là ngày 19/1/2025. Tuy nhiên, Tổng thống Biden có thể mở rộng thời hạn này thêm 3 tháng nếu xác định được ByteDance đang đạt được những tiến bộ nhất định.
Xuất phát từ những lo ngại của các nhà lập pháp Mỹ về việc Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu hoặc giám sát người dùng Mỹ bằng TikTok – những cáo buộc nền tảng này nhiều lần phủ nhận - dự luật được Hạ viện thông qua ngày 20/4 và Thượng viện thông qua cuối ngày 23/4. Trước đó từ cuối năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị công.
Các tranh chấp liên quan tới TikTok đang là một trong những điểm nóng trong cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngày 19/4, Apple cho biết Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh xóa WhatsApp và Threads của Meta Platforms khỏi App Store tại quốc gia này do các lo ngại về an ninh quốc gia.