Phía Nhật Bản đã cung cấp Cẩm nang Xác thực giả mạo cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Chiều 28/2, tại Hà Nội, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản".
Phòng chống hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc, ông Shige Watanabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, sự kiện lần này được tổ chức nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, thúc đẩy các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (hàng nhái) tại Việt Nam.
Phó Đại sứ Nhật Bản đánh giá, hiện nay tình trạng hàng nhái, hàng giả đang là vấn đề đáng lưu ý tại Việt Nam và tác động tiêu cực không chỉ đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến quá trình hình thành một thị trường lành mạnh.
Ông Shige Watanabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Ông Shige Watanabe mong muốn, hội thảo góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực, triển khai phù hợp các giải pháp bảo vệ chính đáng quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế tại Việt Nam. Từ đó hỗ trợ nhiều hơn các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản và đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra trên 71.000 vụ và phát hiện, xử lý trên 50.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng.
Riêng đối với việc xử lý hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 10.000 vụ, xử lý trên 9.000 vụ, thực hiện xử phạt hành chính gần 100 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá, dù công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã có chuyển biến tích cực. Nhưng phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, cơ chế thực thi pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa được chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc nhận biết hàng thật, hàng giả.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Thương mại điện tử phát triển tạo cơ hội cho việc buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan
Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử, theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các mặt trái cũng dần xuất hiện, đặc biệt là việc hàng giả hàng nhái được bày bán tràn lan trên các “chợ mạng”.
“Có thể nói, việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã xảy ra từ rất lâu trong các phương thức thương mại truyền thống. Tuy nhiên thì với sự giúp sức của thương mại điện tử thì hành vi này đang ngày càng phổ biến, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng ngày càng tinh vi hơn”.
Tuy nhiên, ông Lê đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan, là sự dễ tính của người tiêu dùng. Bởi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng thường quyết định mua dễ dàng thông qua hình ảnh, sự quảng bá của các KOL và lượng hàng bán được của mặt hàng, trong khi không trải qua xác minh về tính thật giả của hàng hóa. Như vậy sẽ vô hình chung tiếp tay cho các đối tượng xấu.
Giải pháp để làm giảm tình trạng hàng giả, hàng trái tại Việt Nam
Để cải thiện tình trạng hiện nay, ông Lê cho rằng, trước tiên cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật. Cần có những quy định pháp luật mới, phù hợp với thực tế hiện tại, với mô hình về thương mại điện tử đang và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Đồng thời, cần ứng dụng những công nghệ định danh người bán trên nền tảng là số. Theo ông Lê việc định danh người bán, không chỉ những thông tin cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, vì những thông tin này có thể giả mạo. Mà cần phải xác định được vị trí địa lý của người tham gia bán hàng, làm sao để cửa hàng đó cần phải tồn tại trên không gian số tương ứng như không gian thực ngoài đời.
Điều này sẽ giúp người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng khi kiểm tra hàng hóa sẽ nhanh chóng phát hiện ra những điểm vi phạm. Đây cũng là một kênh để người tiêu dùng tham khảo khi quyết định mua hàng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng chính hãng và lên tiếng tố cáo những cơ sở sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái. Để cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay xây dựng một thị trường lành mạnh, không có hàng giả, hàng nhái.
Ông Yasuaki Naito, Giám đốc Ban Sở hữu trí tuệ, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Bangkok. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Về phía Nhật Bản, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Yasuaki Naito, Giám đốc Ban Sở hữu trí tuệ, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Bangkok đánh giá, hiện nay, các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam đang liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với phía Chính phủ Nhật, JETRO cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Đại diện phía JETRO chia sẻ mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác này hơn nữa.
Tại Hội thảo, phía Nhật Bản đã cung cấp Cẩm nang Xác thực giả mạo cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để sử dụng trong đào tạo và thực hành kiểm soát hàng giả, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.