Chứng khoán FPT đặt kế hoạch thận trọng sau năm 2022 về đích không như ý. |
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) đặt mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng, tăng 2,8% so với mức thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6%. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023.
Năm 2022, VCSC đạt 3.156 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 15% so với 2021; lợi nhuận trước thuế ở mức 1.060 tỷ đồng, giảm tới 43%.
Ban lãnh đạo VCI dự báo lĩnh vực môi giới chứng khoán vẫn sẽ khó khăn trong năm 2023 với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán. Chiến lược của các công ty đều sẽ là cho vay ký quỹ cao, áp dụng chính sách miễn/giảm phí giao dịch, đầu tư cho đội ngũ môi giới...
Báo cáo của ban tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (mã CSI) trong tài liệu cổ đông cho biết, từ năm 2023, kết quả kinh doanh của CSI được kỳ vọng sẽ tăng mạnh nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tại các nước lân cận, vốn là thị trường ngách của CSI hướng tới, kích thích dòng vốn ngoại, đặc biệt là từ các nước nói tiếng Hoa.
Mục tiêu năm 2023 của CSI chủ yếu vẫn tập trung đẩy mạnh các mảng nghiệp vụ chính như môi giới, cho vay margin. Đồng thời, công ty sẽ duy trì và phát triển mảng tư vấn đầu tư; dự kiến khai thác phát triển mảng quản lý tài sản...
Tuy vậy, công ty vẫn đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 đi lùi so với năm trước với doanh thu 23,5 tỷ đồng, giảm 39%; lãi trước thuế 12 tỷ đồng, giảm 5%.
Năm 2022, CSI là một trong số ít công ty chứng khoán vẫn giữ được tăng trưởng với doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 38,36 tỷ đồng và 12,7 tỷ đồng, tăng 16,5% và 33,5% so với 2021.
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, mã chứng khoán FTS) đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 đạt mức 770 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2022. Lãi trước thuế giảm 34% về mức 420 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu của FPTS đã giảm hơn 7% so với 2021, xuống mức 1.048 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 55% xuống gần 442 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Theo đánh giá của ban giám đốc FPTS, thị trường chứng khoán năm 2023 kém hấp dẫn với thanh khoản giảm sút so với năm 2022 cộng thêm bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường dự báo không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niêm yết/đăng ký giao dịch. Ngoài ra, cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn.
Ở chiều ngược lại, Chứng khoán MB (MBS) đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2023 đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, cao hơn 36%. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 1.978 tỷ đồng và lãi trước thuế 661 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 10% so với kết quả thực hiện năm 2021.
Đánh giá về năm 2023, ban lãnh đạo MBS cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nền lãi suất ở mức cao. Tuy nhiên, giới đầu tư đang kỳ vọng Fed tạm ngừng tăng lãi suất, giúp thị trường chứng khoán tích cực hơn.
Theo MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong nửa cuối 2022 và kỳ vọng có thể phục hồi trở lại vào quý 2/2023. Thanh khoản có thể tạo đáy và tăng trở lại. Công ty dự báo quy mô giao dịch 2023 biến động giảm so với năm 2022, giá trị giao dịch bình quân ở mức 15.000 – 18.000 tỷ đồng với chỉ số VN-Index dao động trong ngưỡng 900 – 1.200 điểm.
CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) đặt mục tiêu tham vọng cho năm 2023 với doanh thu hoạt động gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và gấp 18,9 lần thực hiện năm 2022.
Năm 2022, VIG thu về gần 3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86% so với năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động đạt hơn 72 tỷ đồng, gấp 6,2 lần năm 2021 chủ yếu đến từ hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán.
Tại thời điểm cuối năm 2022, VIG còn lỗ lũy kế gần 165 tỷ đồng. Sang năm 2023, công ty đặt mục tiêu xóa hết lỗ lũy kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác.
2023 vẫn sẽ là một năm khó khăn?
Năm 2022 là một năm đầy biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1.520 điểm vào đầu tháng 4/2022, kết thúc năm ở mức 1.007,1 điểm, giảm 32,8% so với mức 1.498,3 điểm vào đầu năm. Tâm lý thị trường tiêu cực cùng với khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến chỉ số đã giảm xuống mức thấp nhất là 911,9 điểm vào giữa tháng 11/2022.
Chỉ số giảm mạnh, thanh khoản trung bình giảm từ mức trên 20.000 tỷ đồng xuống 12-14.000 tỷ đồng, quy mô cho vay margin thu hẹp... là những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán không còn duy trì được sự rực rỡ như năm 2021.
Các công ty đầu ngành như VNDirect, SSI, Chứng khoán Bản Việt, Chứng khoán TP HCM (HSC), Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), Chứng khoán VIX, Chứng khoán MB... đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Đặc biệt là trong quý 4/2022, nhiều công ty báo lỗ.
2 tháng đầu năm 2023, VN-Index có ghi nhận phục hồi và từng về lại sát mốc 1.120 điểm. Tuy nhiên thanh khoản yếu, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp mờ mịt là những nguyên nhân khiến thị trường vẫn chưa định hình xu hướng đi lên bền vững. Nhà đầu tư vẫn cảnh giác trước các rủi ro liên quan đến lãi suất, lạm phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp...
Nhiều ý kiến chuyên gia, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đồng thuận rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ giao dịch giằng co quanh mốc 1.000 điểm trong nửa đầu năm 2023, trước khi có sự hồi phục vào cuối năm nhờ tín hiệu lạc quan từ chính sách tiền tệ, và kỳ vọng vào lãi suất giảm.
Như vậy, năm nay vẫn sẽ là một năm tương đối khó khăn với chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân rút lui khiến “miếng bánh” thị phần thu hẹp hơn, sự cạnh tranh trong ngành lại càng khốc liệt. Đó chính là lý do vì sao dù trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, các công ty chứng khoán vẫn không thể dừng cuộc đua tăng vốn điều lệ, nhằm củng cố tiềm lực tài chính để tranh giành thị phần.