Hội thảo khởi động dự án: "Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nhiệp chế biến thực phẩm” sáng 18/8. |
Ngày 18/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động dự án: "Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nhiệp chế biến thực phẩm”.
Dự án được tài trợ bởi Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) và triển khai bởi VCCI. Thời gian thực hiện thí điểm của dự án sẽ diễn ra trong vòng hai năm (2023 –2025) cho 2 ngành công nghiệp phụ trợ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Dự kiến kết quả của dự án là 100 nhà sản xuất trong 2 ngành được tuyên truyền nâng cao nhận thức và cải thiện các phương thức quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 10 nhà máy sẽ được hỗ trợ phát triển các dự án hiệu quả năng lượng khả thi; 3 nhà máy tiếp cận doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu suất năng lượng; thiết lập một mạng lưới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm các nhà sản xuất, ESCO, các tổ chức tài chính và các bên liên quan; Tham vấn lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO và thí điểm công cụ đo điểm chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, các hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa sản xuất và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao có thể tiết kiệm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ trong khối doanh nghiệp sản xuất.
“Việc doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”
Là đơn vị tài trợ dự án, Quỹ Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 20/11/2020 dưới sự quản lý của Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS).
Đây là một quỹ đa bên với mục đích tập hợp các Nhà tài trợ trên khắp thế giới và các đối tác chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hiện nay, các đóng góp vào ETP là từ Chính phủ Pháp, Đức, Anh và Canada cũng như từ các tổ chức khác.
Ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao của ETP cho biết, ETP đang tập trung vào Indonesia, Philippines và Việt Nam, là những quốc gia trong khu vực có nhu cầu năng lượng cao, có số lượng lớn các dự án năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và có tiềm năng đáng kể và hiệu quả về chi phí đối với các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp phụ trợ có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, ông John Robert Cotton đánh giá, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, tính bền vững và sản xuất xanh. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp.
Mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận.
Về mục tiêu tổng thể của dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam”, nhằm nâng cao nhận thức trong 2 ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho các khoản đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kết nối mạng lưới giữa các nhà sản xuất, nhà tài chính và các ESCO, thí điểm đánh giá chuẩn năng lượng hiệu quả cho hai ngành và xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam.
Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa thông qua sự kết hợp của hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực về năng lượng hiệu quả, đào tạo về chuẩn bị đề xuất cho các dự án hiệu quả năng lượng khả thi về mặt tài chính. Dự án sẽ giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, thực hành chuỗi cung ứng sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội và môi trường, đồng thời giảm lượng khí thải carbon trong hai ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Tại hội thảo, ông Jørgen Hvid, Cố vấn cấp cao của Chương trình Hợp tác Năng lượng Đan Mạch - Việt Nam về tiết kiệm năng lượng công nghiệp (2020 - 2025) đã giới thiệu về chương trình và mong muốn được hợp tác cùng VCCI và ETP trong quá trình triển khai các dự án, thông qua kết nối với các công ty ESCO, chia sẻ các nội dung đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng năng lượng hướng tới mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả.
Đại diện từ Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng ban Chuyển đổi năng lượng cung cấp thông tin về giải pháp tài chính ưu đãi của AFD dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, AFD cam kết chi hơn 2,3 tỷ EUR cho hơn 100 chương trình, dự án phát triển bền vững. Chiến lược hoạt động của AFD chỉ có một mục tiêu duy nhất là hỗ trợ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
AFD cam kết tài trợ hơn 2,3 tỷ EUR cho hơn 100 chương trình, dự án phát triển bền vững, tại Việt Nam. Ảnh minh họa: VGP. |
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh An, AFD mong muốn mở rộng tài trợ cho các dự án xanh thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam, AFD cấp các hạn mức tín dụng xanh cho các ngân hàng và các ngân hàng cấp tín dụng cho Doanh nghiệp và AFD có thể cấp bảo lãnh cho ngân hàng để chia sẻ rủi ro.
Đáng chú ý, tại hội thảo, ông Kentaro TAKAHASHI, đại diện Văn phòng Hợp tác Quốc tế Chuyển đổi sang Khử Carbon và Cơ sở hạ tầng Bền vững, Cục môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản đã cập nhật về Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) và kinh nghiệm triển khai các dự án Năng lượng hiệu quả.
JCM là một cơ chế giảm phát thải carbon được đề xuất bởi Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc hợp tác song phương với các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chuyển giao công nghệ sạch và tiên tiến từ Nhật bản tới các quốc gia này.
Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận hợp tác trong xây dựng Cơ chế tín chỉ chung (JCM) thông qua ký kết Bản ghi nhớ hợp tác Nhật Bản – Việt Nam về tăng trưởng carbon thấp ngày 2/7/2013. Đến thời điểm này, JCM có 27 quốc gia đối tác và triển khai nhiều dự án tại Việt Nam, Chile, Thái Lan, Philippine, Indonesia, Myanmar, Mexico...