Reuters đưa tin ngày 15/5, một nhóm người sáng tạo trên nền tảng TikTok đã đệ đơn kiện lên toà án phúc thẩm liên bang ở thủ đô Washington (Mỹ) nhằm tìm cách ngăn chặn lệnh cấm của Chính phủ Mỹ.
Trong đơn kiện, bên nguyên đơn là nhóm người sáng tạo này lập luận rằng TikTok đóng vai trò là nền tảng thiết yếu để họ xây dựng một cộng đồng chung mà không có sự phân biệt về mặt địa lý, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội hay quan điểm chính trị.
Theo bên nguyên đơn, đạo luật mới của Mỹ sẽ hạn chế một cách bất công khả năng sử dụng TikTok như một phương tiện để thể hiện sáng tạo và tương tác xã hội của họ. Hiện nay, có khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ, trong đó đa số là người trẻ.
Trước đó, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua dự luật cấm Tiktok ở Mỹ. Theo dự luật, ByteDance phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng TikTok. Nếu không, các kho ứng dụng do Apple, Google và các các hãng khác quản lý sẽ không được phép cung cấp dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance quản lý như Lemon8 và CapCut.
Thời hạn trên sẽ kết thúc trùng vào lễ nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2025. Tổng thống Mỹ khi đó sẽ có quyền gia hạn thêm 3 tháng nếu nhận thấy ByteDance gần hoàn tất các thủ tục thoái vốn.
Trong thời gian qua, các quan chức Mỹ và phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về sự phổ biến của TikTok đối với giới trẻ, cáo buộc ứng dụng này cho phép thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng, cũng như được Trung Quốc sử dụng làm phương tiện tuyên truyền.
Cả TikTok và ByteDance đều đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nêu trên và khẳng định không có kế hoạch bán ứng dụng này. Ngày 7/5 vừa qua, TikTok và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về đạo luật trên và cho rằng luật này vi phạm Hiến pháp Mỹ.