Chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển hạ tầng chiến lược là một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu bứt phá, tăng trưởng. Trong đó bao gồm hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm...
"Cần tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chứ không phải bình bình như hiện nay," Thủ tướng nói. Ông cũng dẫn chứng các dự án chiến lược như đường sắt cao tốc kết nối Bắc - Nam, khởi động lại dự án điện hạt nhân, đầu tư điện gió ngoài khơi...
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Về nguồn lực cho các dự án, Thủ tướng cho biết gồm ngân sách Nhà nước, địa phương, vốn vay và hợp tác công tư. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ quản trị cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các dự án. “Mong Quốc hội ủng hộ các dự án lớn này, trong đó có đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành giai đoạn hai,” ông nói.
Chia sẻ thêm về quyết tâm đột phá hạ tầng, Thủ tướng nói: “Đầu nhiệm kỳ, chúng ta từng băn khoăn làm sao xây dựng được hệ thống đường cao tốc khi đã bắt đầu xây dựng từ năm 2000 mà đến năm 2021 mới hoàn thành khoảng 1.000km. Vậy nguồn lực thế nào mà trong vòng 3 năm qua, chúng ta làm gấp đôi con số đã làm trong 20 năm? Được sự ủng hộ của Trung ương, Quốc hội, chúng ta huy động các nguồn lực, tăng thu tiết kiệm chi, đặc biệt là đầu tư không dàn trải, từ 12.000 dự án chỉ còn hơn 4.000 dự án”.
Tiếp tục rà soát và xử lý các dự án tồn đọng
Đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm cũng như các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) cho biết vẫn còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém chưa được xử lý. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp về cơ chế và tiến độ thực hiện trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã có chủ trương xử lý. Bộ Chính trị đã đồng ý và Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.
Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và xử lý các dự án tồn đọng trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, chú trọng đến việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Chính phủ sẽ xin ý kiến của Quốc hội.
Về các ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết vừa qua đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng, còn 2 ngân hàng đang xử lý và một ngân hàng lớn nữa là SCB. “Tinh thần chỉ đạo là làm sao đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân, quản lý chặt chẽ tài sản không để thất thoát, có lộ trình thực hiện cho phù hợp,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.