Mô hình "lúa - tôm" cho nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị. Ảnh: Internet |
Kiến nghị cơ chế đặc thù cho phát triển lúa tôm
Tại hội thảo Phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng Mekong ngày 10/2 diễn ra ở Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, phát triển “lúa thơm - tôm sạch” sẽ là mô hình quan trọng của ngành nông nghiệp cũng như của toàn vùng ĐBSCL.
“Đây là mô hình bền vững, hiệu quả, thông minh tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… Từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Tuy nhiên, ông Thiều cho biết thực tế thì mô hình tôm - lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng và gần đây là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn đang là mối đe dọa thực sự đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
“Nguồn tôm giống chất lượng chưa được người nuôi quan tâm, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều... dẫn đến phát triển chưa bền vững, nên hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng”, ông Thiều cho biết thêm.
Từ đó, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất lúa - tôm, trong đó có hệ thống thủy lợi, nhất là ô đê bao khép kín, trạm bơm điện phục vụ sản xuất đối với mô hình này; hỗ trợ tỉnh xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu và hạ tầng logistics để nâng cao giá trị và khả năng tiếp cận thị trường của mô hình lúa tôm.
Đặc biệt, có cơ chế đặc thù cho việc triển khai mô hình lúa - tôm, tiến tới phát triển thương mại "lúa thơm - tôm sạch" vùng ĐBSCL.
Về vấn đề này, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng do là trung tâm ngành tôm của cả nước, Bạc Liêu cần quan tâm vùng nguyên liệu tôm - lúa. Cần có sự liên kết để xây dựng các vùng, tiểu vùng để đảm bảo lượng tôm đủ cung cấp cho trung tâm chế biến tôm cả nước.
Cần có cơ chế đặc thù cho việc triển khai mô hình lúa - tôm. |
Những cơ chế đặc thù phát triển mô hình lúa – tôm là rất cần thiết khi dư địa của những sản phẩm này tại các thị trường lớn trên thế giới đang ngày tăng cao.
Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, thị trường EU có yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm rất khắt khe. Các nhà tiêu dùng tiếp tục gây sức ép cho các nhà nhập khẩu, nhà phân phối phải thực hiện cam kết về thực phẩm an toàn.
Đối với sản phẩm thủy sản, EU là thị trường lớn, hàng năm nhập khẩu 55 tỉ USD, nhu cầu đối với tôm sinh thái rất cao. Đặc biệt tôm sú đã thâm nhập rất tốt vào Thụy Sĩ nên mô hình tôm lúa phù hợp với nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng EU.
Thông tin từ một thị trường khác đến từ Arab Saudi, ông Trần Trọng Kim, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, hàng năm Arab Saudi nhập khẩu rất lớn lương thực, thực phẩm, trong đó có gạo và thủy sản.
“Nhu cầu thị trường Arab Saudi rất lớn, khoảng 1,5 triệu tấn/năm nhưng mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mới chỉ khoảng 32.000 tấn gạo. Xu thế hiện nay, thị trường quan tâm nhiều tới sản phẩm sạch, sản phẩm organic,… giá khá cao. Do đó các doanh nghiệp có thể tập trung vào cần xây dựng các sản phẩm này, đặc biệt là sản phẩm organic”, ông Kim chia sẻ.
Cần xây dựng thương hiệu “lúa thơm – tôm sạch” cho vùng Mekong
Phân tích cho người dân hiểu hiệu quả kinh tế của mô hình này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho hay, mô hình tôm lúa của Việt Nam được tổ chức quốc tế FAO, các nước ASEAN đánh giá cao.
“Mô hình tôm lúa không phải nơi nào cũng làm được. Do đó, trong tích hợp không gian mỗi địa phương, các địa phương cần tính toán kỹ các vùng nuôi trồng lúa tôm để từ đó ra được cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng, liên kết và ứng dụng khoa học để phát triển bền vững”.
Đối với tổ chức sản xuất, ông Luân cho rằng điều này rất quan trọng, do đó trong tuyên truyền hướng dẫn người dân cần phải phân tích cho người dân hiểu được hiệu quả kinh tế, không phải là sản lượng nhiều để rồi mất công mà lại mất trắng.
Nhận định tầm quan trọng của mô hình dưới góc độ của tổng tư lệnh ngành, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết từ mô hình này có thể mơ giấc mơ xanh cho Mê Kông, cho cây lúa, con tôm hướng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững và tích hợp đa giá trị.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
“Lúa thơm – tôm sạch là một nhãn hiệu, hướng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững và tích hợp đa giá trị - đó mới chính là thương hiệu”.
Theo ông Hoan để xây dựng thương hiệu tôm lúa, cần có sự định vị lúa tôm vùng Me Kong hướng đến nông nghiệp sinh thái bền vững. Tham vọng, kỳ vọng lớn thì mô hình phải khác nhau, hệ sinh thái phải khác.
“Nông nghiệp sinh thái cần một hệ sinh thái của tất cả chúng ta, từ cơ quan quản lý, chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học người dân, truyền thông. Khi đã là hệ sinh thái thì không ai quan trọng hơn ai hết, bộ trưởng cũng như là nhà khoa học, người nông dân. Bởi thước đo cuối cùng của mô hình tôm lúa là thu nhập người nông dân, là người nông dân sống khỏe”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.