Nhóm lừa đảo đã yêu cầu ứng viên sử dụng Telegram để trao đổi thông tin thông qua email giả mạo CMC. |
Thông tin với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc truyền thông của CMC cho biết, tổ chức lừa đảo này đã thuê máy chủ (server) nước ngoài để tạo ra trang web cùng tài khoản email với tên miền gần giống CMC nhằm giả mạo tên tuổi của CMC và mạo nhận là nhà tuyển dụng liên hệ với ứng viên mời tham gia làm việc.
Đáng chú ý, tổ chức này đã sử dụng chữ ký của lãnh đạo tập đoàn CMC từ những hình ảnh đăng tải trên trang Facebook chính thức của CMC nhằm tạo sự tin cậy đối với ứng viên để thực hiện hành vi giả mạo thông tin tuyển dụng.
Sau khi tiếp cận ứng viên, nhóm lừa đảo gửi thông báo yêu cầu tham gia nhóm chat trên ứng dụng Telegram để các ứng viên phải cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng nhằm trao đổi thông tin và nộp một khoản phí ứng tuyển tại CMC.
Ông Nguyễn Thành Lưu khẳng định hành động này là hành vi lừa đảo và tập đoàn CMC không sử dụng ứng dụng Telegram vào việc tuyển dụng nhân sự cũng như không bao giờ yêu cầu ứng viên phải đóng phí đăng ký.
Để đảm bảo quyền lợi của ứng viên cũng như bảo vệ độ uy tín của tập đoàn, CMC đã làm đơn tố cáo hành vi giả mạo, lừa đảo của tổ chức này gửi lên cơ quan chức năng. Đồng thời, đại diện CMC khuyến cáo, khi nhận ra bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hoặc cuộc gọi bất thường, người dân cần nhanh chóng liên hệ với CMC để xác nhận và không phản hồi với bất kỳ yêu cầu nào từ đối tượng lừa đảo.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi như hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp như phát triển các trang thông tin xử lý tin nhắn rác, lừa đảo cũng như cung cấp công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kỹ năng phòng chống lừa đảo và lập trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.