Câu chuyện đằng sau sự bùng nổ du lịch tại Tây Ban Nha

KINH TẾ Tây Ban Nha
20:48 - 22/05/2024
Du khách Trung Quốc chụp ảnh tại phiên chợ ngoài trời ở thành phố Salamanca, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Du khách Trung Quốc chụp ảnh tại phiên chợ ngoài trời ở thành phố Salamanca, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sự bùng nổ về du khách đến Tây Ban Nha đang có sự đóng góp cho nền kinh tế vượt trội hơn so với các nước khác ở châu Âu. Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo áp lực lên các dịch vụ như nhà ở, vận tải và cuộc sống của người dân địa phương.

Theo Reuters, chi phí hợp lý là một trong những yếu tố khiến Tây Ban Nha trở nên hấp dẫn du khách, bên cạnh đó là những điểm nhấn về văn hoá của quốc gia này. Sự khởi sắc của ngành du lịch đang góp phần giúp Tây Ban Nha, quốc gia từ lâu tụt hậu trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu, tiến lên phía trước. Hiện nay, Tây Ban Nha ghi nhận tốc độ tăng trưởng ở mức 0,7% trong quý 1/2024, cao hơn so với trung bình của khu vực đồng Euro gồm 20 quốc gia - nơi chỉ tăng trưởng 0,3% trong cùng kỳ.

Trong khu vực châu Âu, Pháp đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2024, còn Đức chỉ vừa vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế. Theo các chuyên gia, điều này là do Đức lệ thuộc vào ngành công nghiệp vốn dễ bị ảnh hưởng tiêu cực trước biến động giá cả hàng hóa cũng như căng thẳng địa chính trị. Ngược lại, Tây Ban Nha lại kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay.

Theo nhóm vận động du lịch hành lang Exceltur, ngành du lịch chiếm 71% tăng trưởng thực của nền kinh tế Tây Ban Nha vào năm ngoái.

Ông Angel Talavera, trưởng bộ phận kinh tế châu Âu tại Oxford Economics cho biết, sự bùng nổ của nền kinh tế Tây Ban Nha đang được thúc đẩy bởi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng công cộng và tư nhân nhờ cơ hội việc làm ngày càng gia tăng.

Theo phân tích của Tập đoàn ngân hàng đa quốc gia BBVA, trong năm 2023, mức tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha.

Mặc dù vậy, người dân địa phương Tây Ban Nha cảm thấy họ không được hưởng lợi từ yếu tố tích cực trong sự bùng nổ du lịch. Một cuộc khảo sát hồi tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội học Tây Ban Nha cho thấy, mặc dù 60% người dân thừa nhận tình hình kinh tế cá nhân của họ là “tốt”, nhưng 59% cũng nói rằng tình hình trong nước là “xấu” hoặc “rất xấu”.

Phát biểu vào ngày 8/5 vừa qua, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Jordi Hereu cho biết: “Đúng là Tây Ban Nha đang phát triển du lịch mạnh mẽ, nhưng hiện tượng này cũng cần được quản lý. Chúng tôi không cấm mọi người đến Tây Ban Nha, song có thể đặt ra giới hạn đối với nguồn cung du lịch”.

Chính quyền các địa phương đã bắt đầu áp dụng các biện pháp mới như đặt ra giới hạn đối với việc cấp phép xây dựng nhà nghỉ. Tại Barcelona, giới chức đã yêu cầu gỡ bỏ tuyến xe buýt đến điểm du lịch nổi tiếng Park Guell khỏi các ứng dụng trên điện thoại vì dịch vụ này đã bị bão hòa.

Theo công ty Dịch vụ và Đầu tư bất động sản Thương mại (CBRE), chi phí nhân công thấp đang trở thành lợi thế thu hút các nhà đầu tư xây dựng khách sạn mới tại Tây Ban Nha. Với tốc độ khai trương trung bình 4 ngày một khách sạn, dự kiến trong năm nay, Tây Ban Nha sẽ vượt qua Anh để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất châu Âu đối với các nhà đầu tư khách sạn.

Định giá thấp hơn giá trị thực tế

Ông Antonio Catalan, Chủ tịch Tập đoàn AC Hotels, đối tác của Marriott tại Tây Ban Nha nói rằng: “Tây Ban Nha là điểm đến bị định giá thấp và có quá nhiều khách du lịch”. Trong quý đầu năm nay, các khách sạn của ông đã chứng kiến mức tăng 17% lượng khách du lịch nước ngoài. Những người này chi tiêu nhiều hơn 27% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do giá phòng bị đẩy lên cao.

Trong năm 2023, Tây Ban Nha đã ghi nhận kỷ lục 85 triệu lượt khách du lịch, xu hướng này tiếp tục tăng trong quý đầu năm nay. Cụ thể, với lượng du khách đạt gần 18% lên 16,1 triệu lượt, mặc dù con số ấn tượng trên có thể được thúc đẩy do lễ Phục sinh cũng rơi vào giai đoạn này của năm.

Du khách đến Tây Ban Nha chi tiêu nhiều hơn, một phần nhờ nỗ lực phát triển thị trường du lịch hạng sang, vốn được một số khu vực xem là giải pháp cho tình trạng quá tải du lịch. Họ đã chi 109 tỷ Euro (118 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức 63,5 tỷ Euro (69 tỷ USD) mà du khách chi ở Pháp. Con số này phản ánh khách du lịch linh hoạt sử dụng thẻ tín dụng tại các nhà hàng và cửa hàng thời trang tại Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh lực lượng lao động nhập cư giúp lấp đầy chỗ trống ở lĩnh vực dịch vụ, ngành du lịch cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng việc làm với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua.

Cơ quan nhà nước quảng bá du lịch Tây Ban Nha Turespaña cho biết, ngành du lịch đã mở rộng thêm 197.630 việc làm trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 1/4 số việc làm được tạo ra trong giai đoạn này. Điều đó góp phần thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, bổ sung cho nguồn chi tiêu từ du khách.

Tuy nhiên, ông Talavera từ Oxford Economics cảnh báo rằng, sự bùng nổ kinh tế ấn tượng của Tây Ban Nha là không bền vững. “Tốc độ tăng trưởng du lịch này không thể lâu dài, cũng như chi tiêu công cộng không thể tiếp tục được mở rộng,” ông Talavera cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cảnh sát tuần tra bên ngoài trung tâm báo chí, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thành phố Bari, Italy, ngày 12/6/2024. Ảnh; Reuters

Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Italy

Từ 13 – 15/6/2024, Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại miền nam Italy trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của nhóm này mong muốn thể hiện sự đoàn kết trước các vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.