Câu chuyện đi tiên phong để thành công trong ngành dược

Câu chuyện đi tiên phong để thành công trong ngành dược

Traphaco dược phẩm
07:35 - 13/10/2023

Theo cựu Chủ tịch Traphaco, doanh nghiệp chỉ cần duy trì ở trạng thái đi ngang là đã tụt hậu, và muốn phát triển lên tầm cao mới thì không gì khác ngoài việc tìm tòi, sáng tạo, tìm ra những hướng đi mới. Trong đó, người lãnh đạo cần chủ động, linh hoạt và đôi lúc cần chút liều lĩnh.

Ngôi nhà của doanh nhân Vũ Thị Thuận – nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Traphaco nằm phía sau một quán cà phê trên đường Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhỏ, ấm cúng và nhiều cây xanh. Cách đó không xa chính là “đại bản doanh” trước đây của Traphaco – nơi bà Thuận đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời mình.

Với mái tóc ngắn hiện đại và nụ cười luôn thường trực trên môi, bà Thuận nhìn trẻ hơn độ tuổi 67 rất nhiều. Đặc biệt, ánh mắt bà vẫn sáng rực nhiệt huyết khi nói về dược liệu, về Traphaco, về những kinh nghiệm thương trường muốn truyền thụ cho thế hệ doanh nhân lớp sau. Phía sau đôi mắt ấy cũng ẩn chứa những trăn trở, suy tư về nền Đông dược nước nhà còn chưa khai phá hết tiềm năng.

Cựu “nữ tướng” Traphaco sinh ra trong một gia đình có truyền thống bốc thuốc cứu người. Bố mẹ là lương y nên mùi vị những cây thuốc đã ngấm vào máu thịt của bà từ thủa nhỏ. Vì vậy, việc bà thi vào Đại học Dược, rồi gắn bó cả đời với ngành nghề này như một lẽ tất nhiên.

Kể về quá trình xây dựng Traphaco, nữ doanh nhân cho biết, bà gia nhập công ty từ khi mới ra trường, năm 1978. Lúc ấy, Traphaco mới chỉ là xưởng sản xuất thuốc thuộc Sở Y tế Đường Sắt, chuyên phục vụ, chăm sóc sức khoẻ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên trong ngành tàu hoả. Xưởng cũng chỉ tự túc được 25% thuốc, còn lại là mua quốc doanh từ Dược phẩm Hà Nội. Sản phẩm nổi bật của xưởng khi đó là thuốc sáng mắt đường sắt.

Chuyên môn tốt cộng thêm sự nhanh nhạy, nhiệt huyết nên sau 2 năm làm kỹ thuật, bà Thuận đã được cất nhắc làm quản đốc. Đến năm 1989, xưởng sản xuất chuyển thành Xí nghiệp dược phẩm trực thuộc Bộ GTVT, bà được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Năm 1993, xí nghiệp chuyển thành công ty và đến năm 1999 thì cổ phần hoá, bà được tín nhiệm bầu làm tổng giám đốc.

Từ sau cổ phần hoá, dưới sự dẫn dắt của nữ doanh nhân trưởng thành từ chuyên môn, Traphaco ngày càng “thay da đổi thịt” và thành thương hiệu lớn mạnh trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của công ty chỉ vỏn vẹn 9,9 tỷ đồng, hiện nay đã tăng lên hơn 400 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 1.500 tỷ đồng, vốn hoá trên thị trường chứng khoán đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng từ năm 2011 và trong hai năm 2021, 2022 đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Nói về bí quyết thành công của Traphaco, bà Thuận cho biết không gì khác ngoài “sự tiên phong”. “Những người sẵn sàng đi đầu, đi tiên phong luôn là những người dễ đạt được sự thành công. Tiên phong ở đây không đơn thuần chỉ là khai phá những con đường chưa ai đi, mà thực chất là sự tìm tòi, sáng tạo, không bao giờ bằng lòng với những gì đang có”, cựu Chủ tịch Traphaco chiêm nghiệm.

Bà Thuận kể, dấu mốc đầu tiên để Traphaco bứt phá chính là cổ phần hoá. Những năm 2.000, việc cổ phần hoá đã được triển khai nhưng vẫn là chủ trương rất mới, chưa nhiều doanh nghiệp dám phá bỏ ranh giới an toàn để tự bước đi trên thương trường. Với khát khao được quyền tự chủ và niềm tin “một cửa hàng thuốc còn kinh doanh được thì tại sao mình không làm được”, Traphaco đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chủ trương ấy.

Tiếp đó là sự tiên phong trong việc lựa chọn và phát triển sản phẩm. Trong khi các công ty trong ngành thời bấy giờ đều đi theo xu hướng sản xuất tân dược thì Traphaco chọn con đường hiện đại hoá nền y học cổ truyền bằng công nghệ. Dù tài chính còn khó khăn, phải đi thuê đất để đặt nhà máy nhưng Traphaco đã quyết định xây dựng quy trình GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt) theo tiêu chuẩn ASEAN đầu tiên ở miền Bắc, đến 2005 thì cải tiến lên mô hình GMP tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới.

“Nhà máy sản xuất của Traphaco ngày ấy chỉ có 2.000 m2 nhưng các tiêu chuẩn thì đâu yêu cầu yếu tố diện tích. Dược phẩm là ngành kinh doanh có điều kiện và rất đặc thù, vì vậy chúng tôi xác định xây dựng quy trình sản xuất hiện đại, chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Không chỉ vậy, chúng tôi còn nghĩ đến bảo vệ môi trường, thông qua quy trình xử lý nước thải và không khí tại nhà máy”, bà Thuận nhớ lại.

Khi đã có dây chuyền sản xuất, bà Thuận lại nghĩ đến việc tự chủ nguồn dược liệu cho Traphaco, hướng đi cũng rất mới mẻ từ những năm 2.000, khi các cây thuốc chỉ mọc hoang hoặc được trồng manh mún, nhỏ lẻ tại vườn nhà các lương y.

Vậy là bà cử cán bộ lên Sapa (Lào Cai) triển khai dự án trồng atiso, về Phú Thọ trồng bìm bìm biếc, về Nam Định trồng đinh lăng, lên Lào Cai trồng đương quy, chè dây... Đây đều là các nguyên liệu chính trong các sản phẩm chiến lược của Traphaco là thuốc bổ gan Boganic, hoạt huyết dưỡng não... Hiện nay, vùng dược liệu của Traphaco đã trải dài trên nhiều tỉnh, thành, đều đạt chuẩn trồng và thu hái dược liệu GACP của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo cựu Chủ tịch Traphaco, việc phát triển các vùng dược liệu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ với doanh nghiệp mà còn cả với xã hội. “Nhiều cây dược liệu quý như atiso, cà gai leo, chè dây, đương quy... thường phù hợp với thổ nhưỡng tại các vùng núi cao, biên giới. Vì vậy, phát triển các vùng dược liệu tại đây vừa cho năng suất cao vừa giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, xoá đói giảm nghèo, và sâu xa hơn chính là phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường, gìn giữ các bài thuốc dân gian quý báu, bảo vệ biên cương”, nữ doanh nhân chia sẻ.

Đề cao việc xây dựng và bảo tồn các vùng dược liệu, bà Thuận cho rằng, thế mạnh của ngành dược phẩm Việt Nam vẫn là y học cổ truyền. Tuy nhiên, nguồn dược liệu của Việt Nam rất phong phú và hiện vẫn chưa khai thác hết, cũng như chưa có cách khai thác hiệu quả, nhất là các dược liệu biển. Theo bà, để biến cây thuốc thành sản phẩm giá trị thì không có “bàn tay ma thuật” nào hiệu quả bằng công nghệ. Khi có sự đầu tư trọng điểm và đúng mức, bà tin rằng y học cổ truyền của Việt Nam có thể vươn tầm thế giới.

Traphaco nhiều năm liền nằm trong top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp trách nhiệm với xã hội; là đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Doanh nhân Vũ Thị Thuận cũng hai lần được vinh danh trong top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Vietnam bình chọn.

Bà Thuận quan niệm, trên thương trường, cạnh tranh bằng giá cả là mức độ thấp nhất, bằng chất lượng là mức độ trung bình và bằng thương hiệu mới chính là cao nhất; và thương hiệu sản phẩm thì giá trị hơn thương hiệu doanh nghiệp. Người dân có thể không biết công ty sản xuất là ai, nhưng sản phẩm uy tín và chất lượng thì vẫn sẽ được tin tưởng sử dụng qua nhiều thế hệ.

Tất nhiên, thương hiệu không phải được xây bởi những quảng cáo xuất hiện dày đặc trên truyền hình, mạng xã hội, mà phải gây dựng trên nền tảng chất lượng và quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Từ khi trồng các vùng dược liệu, Traphaco đã nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo, sau này là kinh tế tế xanh, phát triển bền vững.

Công ty tham gia chương trình Vì người nghèo từ những năm đầu tiên cho đến khi kết thúc. “Có năm kinh doanh khó khăn, chúng tôi vẫn tham gia, vì đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời khơi gợi tinh thần tương thân tương ái, nét sống đẹp cho cán bộ nhân viên”, bà Thuận chia sẻ.

Theo cựu Chủ tịch Traphaco, doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nói riêng phải thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội. Sự cho đi cũng sẽ giúp mang lại giá trị ngược lại cho doanh nghiệp, doanh nhân. Đó chính là uy tín, sự yêu mến, sự ủng của mọi người, thông qua sản phẩm.

“Để xây dựng giá trị doanh nghiệp, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Họ chính là số 1, còn cán bộ nhân viên là những số 0 phía sau. Phải bắt đầu từ số 1, và cần rất nhiều những số 0 phía sau thì mới có thể làm ra những con số trăm tỷ, nghìn tỷ”, bà Thuận hóm hỉnh nói về vai trò của các doanh nhân và những cộng sự.

Đọc tiếp