Trong phần thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB), cổ đông ngân hàng đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh kế hoạch kinh doanh, chất lượng cho vay đối với các doanh nghiệp Novaland, Trung Nam cũng như kế hoạch sáp nhập ngân hàng.
Quý 1/2024, lợi nhuận ngân hàng MB giảm 10%
Trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý 1, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cho biết, trong tuần này sẽ cung cấp tài liệu báo cáo tài chính quý 1. Còn về kết quả sơ bộ, ông Ánh thông tin, doanh thu toàn tập đoàn đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng. Riêng doanh thu ngân hàng mẹ đạt hơn 9.700 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 5.200 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm 2024, MB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng khoảng 6% - 8%, con số này có phần khiêm tốn hơn so với nhiều ngân hàng. Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, năm 2023, biên lãi ròng (NIM) toàn ngành giảm và sẽ còn tác động đến năm nay.
"Trong khi thông thường quý 1 hàng năm tăng trưởng tín dụng tại MB đạt khoảng 4% - 5% trong khi năm nay chỉ tăng khoảng 0,23%. Cùng với việc tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng mạnh kéo theo áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên, vì vậy ban lãnh đạo MB đã đề ra phương án an toàn. Năm nay, chúng tôi sẽ bình tĩnh và chuẩn bị các điều kiện để bền vững hơn," Chủ tịch MB chia sẻ.
Trước sự quan tâm của cổ đông về tình hình kinh doanh tại công ty con Mcredit, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thông tin, trong khi tình hình cho vay tiêu dùng năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhiều công ty tài chính đều bị suy giảm lợi nhuận, tuy nhiên Mcredit vẫn lãi khoảng 300 tỷ đồng nhờ dự báo mô hình cho vay tiền mặt khá nhiều rủi ro và chuyển sang cho vay dựa trên dữ liệu, cùng một số đối tác quy mô lớn để kiểm soát chất lượng. Năm 2024, Mcredit tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi.
Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái trong phần hỏi đáp cùng cổ đông. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN. |
Không có cam kết giải ngân thêm 10.000 tỷ đồng cho Novaland
Những câu hỏi xoay quanh dư nợ cho vay với doanh nghiệp Novaland và Trung Nam vẫn luôn làm "nóng" hội trường đại hội tại MB trong những năm gần đây. Năm nay cũng không ngoại lệ, cổ đông ngân hàng này cũng đặt câu hỏi liên quan đến khẩu vị rủi ro của MB trước những khoản vay này.
Trả lời cổ đông, ông Phạm Như Ánh cho biết, năm ngoái MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng của Novaland và hiện nay dư nợ không còn nhiều.
"Theo luật, chúng tôi không thể tiết lộ con số dư nợ cụ thể. Tuy nhiên chúng tôi khẳng định không có cam kết giải ngân thêm 10.000 tỷ đồng cho Novaland," Tổng giám đốc MB nói tại đại hội.
MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, hơn nữa các vấn đề pháp lý, các dự án ở Novaland cũng đang được giải quyết, tháo gỡ dự kiến trong quý 2/2024.
Với nhóm Trung Nam, CEO Phạm Như Ánh thông tin: "MB hiện có cho vay 3 dự án điện mặt trời của Trung Nam và cả 3 dự án này đều nằm trong Fit 1 và Fit 2. Khó khăn lớn nhất của dự án này không phải vấn đề pháp lý mà do EVN gặp khó và thanh toán chậm. Cả 3 dự án Trung Nam đều được theo đúng kế hoạch, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động liên tục của MB và khách hàng. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại".
Thông tin thêm về trái phiếu Novaland, ông Lưu Trung Thái cho hay, trái phiếu bản chất là công cụ tài chính có hàng trăm năm nay, là công cụ rất tốt. Quan trọng là trái phiếu nào, của nhà phát hành nào và cách quản lý ra sao.
"Chúng ta lựa chọn nhà phát hành là khách hàng để đầu tư trái phiếu thay vì cho vay trung dài hạn và quản lý dự án không khác gì cho vay trung dài hạn, đảm bảo dài hạn. Nhưng có điểm mạnh của đầu tư trái phiếu là chúng ta dễ dàng chuyển nhượng. Đối với Novaland, cách thức MB tiếp cận vừa qua là tốt khi giảm nửa dư nợ và Novaland cũng đang được hỗ trợ pháp lý để tiếp tục dự án," ông Thái nói với cổ đông.
"Chúng ta có hàng triệu khách hàng và trên đường đi không tránh khỏi rủi ro, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận và xử lý rủi ro như thế nào," Chủ tịch Lưu Trung Thái chia sẻ tại đại hội. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN. |
Chia sẻ về lãi suất, ông Lưu Trung Thái thông tin, từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ có yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Ngành ngân hàng cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí vay.
Năm 2023, lãi suất cho vay bình quân của MB giảm 1-1,5%. Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, ban lãnh đạo MB nhận thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ, dự báo sẽ đi ngang hoặc tăng lên về cuối năm. Khi đó, MB sẽ dựa trên dự báo để có sự điều chỉnh kinh doanh, đưa ra quyết định phù hợp.
Liên quan đến việc sáp nhập ngân hàng yếu kém, Tổng giám đốc Phạm Như Ánh cũng thông tin, sau khi sáp nhập, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Sau khi hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập hay thoái vốn hay không.
Về tiến độ, ngân hàng này đã xong đề án và trình lên Chính phủ, NHNN và đang được xử lý tại NHNN để trình lên Chính phủ. "Chúng tôi kỳ vọng tiến độ có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc trong năm 2025. Nếu hoàn thành, MB sẽ có không gian để mở ra để phát triển trong giai đoạn 5 năm tới," ông Ánh chia sẻ.