'Chất lượng dịch vụ di động tăng lên sau đấu giá băng tần'

viễn thông Việt nAM
19:19 - 08/04/2024
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4/2024. Ảnh: VGP.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4/2024. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, sau khi 2 khối tần số vừa đấu giá được cấp cho doanh nghiệp, lượng tần số cấp cho thông tin di động đã tăng lên 59%.

Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 8/4, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố kết quả 3 cuộc đấu giá cho 3 khối băng tần.

Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) đã trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng.

Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có một doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đấu giá thành công tần số vô tuyến điện, sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. "Việc đấu giá này giúp doanh nghiệp có được tần số để triển khai lưu thông băng rộng. Sau khi triển khai các khối băng tần này, tần số cấp được tăng lên 59% so với lượng tần số hiện nay doanh nghiệp đang được cấp (340MHz), với tần số mới được cấp thêm 200MHz. Chắc chắn chất lượng băng rộng di động tăng lên," ông Tuấn thông tin.

Việc đấu giá thành công được xem là điều kiện cần thiết, là tiền đề để triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc trong năm 2024, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông đã có thông báo về việc nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thông báo phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông gửi các doanh nghiệp trúng đấu giá.

Tính đến ngày 8/4, Tập đoàn Viettel đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định. Tập đoàn VNPT hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến ngày 9/4 sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này.

Sau khi các doanh nghiệp nộp tiền trúng đấu giá băng tần, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp giấy phép sử dụng băng tần theo quy định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.