Ảnh: Phùng Nguyện |
Trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam, nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Riêng năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 22,6 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản cũng đang đứng trước những thách thức, khó khăn, đặc biệt trong vấn đề logistics. Để thảo luận về vấn đề này, ngày 23/6, tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống Logistics" đã được tổ chức với sự phối hợp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt (VLI) cùng các hiệp hội.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T kiêm Phó chủ tịch Vinafruit cho biết, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm 20-25% giá trị hàng hóa, trong khi đó các nước như Thái Lan chỉ chiếm 12% hay thế giới 14%.
“Nông sản của thị trường nước khác có thể không hơn về chất lượng nhưng họ hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logitstic thôi thì giá thành sản phẩm Việt đã hơn các thị trường khác mười mấy %, như vậy thì chúng ta khó có thể cạnh tranh”, theo ông Tùng.
Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Tú Uyên – Giám đốc công ty Logistics CMU, so sánh với nước bạn trong khu vực là Thái Lan, giá cước vận tải từ Bangkok đến thị trường quốc tế thấp hơn so với từ Hà Nội hay TP HCM ít nhất từ 1-2 USD/kg.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong nước lại chưa được đảm bảo. Hiện nay, hệ thống kho bãi tại Việt Nam còn manh mún, cơ sở chế biến nông sản, chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ còn thiếu.
Riêng xuất khẩu trái cây phải trải qua nhiều công đoạn nhưng cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, kết nối khiến thời gian chuẩn bị và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng sản phẩm.
“Đơn cử như vào mùa vải, để xuất khẩu đi Mỹ thì phải chiếu xạ. Nhưng miền Bắc lại chưa có trung tâm chiếu xạ, doanh nghiệp phải vận chuyển vào miền Nam để thực hiện công đoạn này rồi mới tiến hành các thủ tục khác để xuất khẩu”, theo bà Uyên.
Dưới góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, hạ tầng cơ cở sản xuất, chế biến, bảo quản tại Việt Nam còn yếu khiến tình trạng hao hụt ở mức cao. “Đúng ra, rau quả phải có những kho riêng, phương tiện vận chuyển riêng nhưng chúng ta vẫn chưa có, vẫn thực hiện cùng với các loại nông sản khác. Chính vì vậy, hao hụt, tổn thất sau thu hoạch rất cao, tới khoảng 30-35%”, theo ông Bình.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit). |
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ghi nhận tăng trưởng và có kết quả tốt khi đạt 2,7 tỷ USD, gần bằng kết quả của cả năm 2022. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của mặt hàng rau quả trong bức tranh xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trước những khó khăn trên, bà Uyên nhận định, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu như Sơn La, An Giang, Khánh Hòa…, giúp thời gian vận chuyển đã được rút ngắn rất nhiều. Tuy nhiên, theo bà Uyên, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, hợp tác xã có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.
Đồng thời, cần quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, bao gồm có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế, từ đó nâng cao chất lượng, ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực. Mặt khác, kết nối đường thủy, đường bộ, đường sắt, phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.