Tính riêng tháng 11, chỉ số IIP ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm và chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm.
Xét theo từng ngành, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%. Riêng ngành khai khoáng giảm 3,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP ước tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Chủ yếu do mức tăng thấp của ngành chế biến, chế tạo, tăng 1,1% (thấp hơn 7,6 điểm phần trăm so với mức tăng 8,7% cùng kỳ năm 2022), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
11 tháng năm 2023, chỉ số IIP của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ này, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng mạnh với 11,8%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngành này dẫn đầu đà tăng các ngành công nghiệp trọng điểm và cũng là tháng có mức tăng trưởng cao nhất của ngành này từ đầu năm tới nay.
Các ngành khai thác quặng kim loại (tăng 11,1%) và sản xuất sản phẩm thuốc lá (tăng 10,5%), là những ngành ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong 11 tháng năm 2023.
Trong khi đó, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9%, là mức giảm lớn nhất. Xu hướng này đã duy trì từ đầu năm tới nay do tình hình thị trường tiêu thụ các phương tiện vận tải kém khả quan khi người dân thắt chặt chi tiêu.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 10, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 235.296 chiếc giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh số bán xe lắp ráp trong nước đạt 139.244 chiếc, giảm 27%, doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 96.052 chiếc, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với mức giảm sản lượng tiêu thụ trên thị trường, xét về sản phẩm công nghiệp chủ lực, ô tô và xe máy cũng là hai sản phẩm có mức giảm chỉ số IIP lớn nhất trong 11 tháng năm 2023 khi lần lượt giảm 15% và 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, sản phẩm đường kính tiếp tục ghi nhận tháng thứ 7 có mức tăng cao nhất (tăng 35,1%), gần gấp đôi sản phẩm đứng thứ 2 là phân hỗn hợp NPK (tăng 18%), chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm chế biến có sử dụng đường những tháng cuối năm tăng cao khi có nhiều dịp lễ, hội và nhất là dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán đang tới gần.
Về các địa phương, tính đến hết tháng 11, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước.
Trong đó, Trà Vinh tiếp tục ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp là tỉnh dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng chỉ số IIP nhờ ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (tăng 38,1%).
Thứ tự mức tăng chỉ số IIP trong 11 tháng của các tỉnh thành không có sự biến đổi nhiều so với 10 tháng. Trong đó, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, nhờ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao đạt lần lượt là 20,5%, 17,6% và 15,5%. Phú Thọ và Nam Định còn ghi nhận mức tăng trưởng tốt của ngành sản xuất và phân phối điện khi cùng tăng 9,2%.
Kỳ này, Khánh Hòa tiếp tục ghi nhận mức tăng vọt của ngành sản xuất và phân phối điện (tăng 134,4%), đưa tỉnh thành địa phương có tốc độ tăng IIP cao thứ 5 cả nước trong 11 tháng năm 2023.
Trong khi đó, Quảng Nam có tháng thứ 8 liên tiếp là tỉnh có mức giảm chỉ số IIP lớn nhất trên cả nước do mức giảm sâu ở cả ngành công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 27,7%) và ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 21,2%).
Về chỉ số lao động
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,2% so với cùng thời điểm năm trước.