Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 22/2. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng Chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, do vậy cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, cũng như tận dụng ưu thế công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, ngành điện của Việt Nam là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính. Do đó, việc chuyển đổi nguyên liệu hoá thạch sang sử dụng hydro và năng lượng có nguồn gốc hydro là hết sức cần thiết.
Trong quyết định 500 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII đã đặt ra lộ trình chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac xanh, lộ trình chuyển đổi nhà máy sử dụng khí LNG sang hydrogen.
Vì vậy, ông Dũng cho rằng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần có nghiên cứu sử dụng bước trộn các nhiên liệu như than với amoniac, khí hóa lỏng với hydro để sau đó triển khai từ giai đoạn 2030-2050.
Đối với nhà máy điện than, cần từng bước chuyển đổi các nhà máy điện đã có thời gian vận hành 20 năm theo tỷ lệ tăng dần để đến năm 2050 hoàn toàn không sử dụng than cho phát điện nữa mà chuyển sang sử dụng amoniac hoặc sinh khối.
Với các dự án tuabin khí hiện đang sử dụng khí LNG nhập khẩu thì cũng cần có bước thử nghiệm để chuyển đổi thành công sang hydrogen.
"Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là công nghệ chuyển đổi đối với các nhà máy sử dụng than và khí sang amoniac và hydro vì công nghệ này vẫn chưa được thương mại hóa. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất amoniac và hydro vẫn còn khá cao nên lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cần phù hợp với mức độ thương mại hóa của công nghệ và giá thành nhiên liệu".
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cũng cho biết, đơn vị sẽ chủ động phối hợp, triển khai các nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát biểu tại hội nghị. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, năm 2023 EVN đã chủ động giao tư vấn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về tổng quan thị trường hydro và dự báo phát triển thị trường hydro trên thế giới là cơ sở để tập đoàn xây dựng các bước tiếp theo.
Hiện EVN đang triển khai xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi năng lượng tại tập đoàn, trong đó có chuyển đổi các nhà máy truyền thống để chuyển sang phối trộn hydro. Dự kiến, trong quý 2, 3 năm nay sẽ hoàn thiện lộ trình để chuyển đổi các nhà máy điện cũ theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, đại diện EVN cũng nêu kiến nghị, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện hydro, đảm bảo cạnh tranh với các lĩnh vực khác trong hệ thống. Hơn nữa, đây là lĩnh vực mới, cần phải xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro nhằm đảm bảo an toàn trong thời gian tới.
Cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật
Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn The Green Solutions, chủ đầu tư dự án hydrogen xanh đầu tiên tại Trà Vinh có quy mô vốn 1,4 tỷ USD cho biết, thách thức lớn nhất trong phát triển các dự án hydrogen là hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, đầu tư nguồn nhân lực và công nghệ cao.
Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn The Green Solutions, chủ đầu tư dự án hydrogen xanh đầu tiên tại Trà Vinh phát biểu tại hội nghị. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Thêm nữa, bà Quyên cũng cho rằng sản xuất hydrogen xanh có giá thành cao, nên cần sự đồng hành của chính sách để giảm giá thành để từ đó lan tỏa, chuyển thành công nghệ bền vững.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Niệm, Phó giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho rằng, hiện một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nhưng khung pháp lý và nghiên cứu phát triển nhiên liệu hydro xanh vẫn còn nhiều bất cập, trong khi tiềm năng lĩnh vực này vẫn còn nhiều.
Theo ông, các dự án sản xuất hydro chưa thể triển khai do các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể. Đơn cử như để sản xuất hydro xanh cần nguồn năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời, trong khi điện gió đã đóng khung trong Quy hoạch điện VIII; còn điện tự sản, tự tiêu ở quy mô lớn vẫn chưa có cơ chế cụ thể. Chưa kể việc đặt mục tiêu đến 2030 sản xuất từ 100.000-500.000 tấn hydro là khó khả thi nếu các quy định chưa được sớm ban hành.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Niệm kiến nghị cho triển khai thí điểm một vài dự án có quy mô vừa phải ở một số vùng tiềm năng mà không phải chờ các quy định cụ thể như đã nêu, nhằm từng bước phát triển thị trường năng lượng hydro phù hợp và đồng bộ về quá trình sử dụng năng lượng đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như sản xuất điện, giao thông, công nghiệp,...
“Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế từ các dự án này, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian sau sẽ phát triển trên quy mô lớn hơn, khi các chính sách đã tương đối đầy đủ và có nhiều công nghệ hoàn thiện,” lãnh đạo Sở Công Thương Bến Tre nêu ý kiến.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen được phê duyệt là sự kiện rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Do vậy, để tổ chức thực hiện thành công chiến lược này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương chú trọng tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 165.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Đặc biệt, cần nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng carbon phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen và triển khai có hiệu quả các chương trình chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành năng lượng và các hiệp hội ngành nghề chủ động nghiên cứu, đề xuất và tích cực tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển năng lượng hydrogen.
Bộ trưởng Công Thương cũng nhấn mạnh tới vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng mới này.
“Cần có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để chúng ta có thể tiếp cận công nghệ, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, cũng như hợp tác trong việc sản xuất để bảo đảm rằng giá thành sản xuất nhiên liệu hydrogen ở mức hợp lý, kể cả phục vụ nhu cầu trong nước cũng như phục vụ nhu cầu xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.