Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ

NỢ CÔNG MỸ
09:36 - 28/05/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc để nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD, chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng trong việc giải quyết nguy cơ về một cuộc khủng hoảng vỡ nợ sắp xảy ra.

"Tôi vừa mới điện đàm với Tổng thống cách đây không lâu. Sau khi ông ấy lãng phí thời gian và từ chối đàm phán trong nhiều tháng, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc phù hợp với người dân Mỹ", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy viết trên Twitter tối 27/5, theo Reuters.

Tổng thống Biden và ông McCarthy đã tổ chức một cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vào tối 27/5 để thảo luận về thỏa thuận này. Theo đó, thỏa thuận sẽ bao gồm việc nâng giới hạn nợ trong 2 năm, đồng thời hạn chế chi tiêu trong thời gian đó và tăng thêm các yêu cầu đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Theo các nguồn tin của Reuters, các nhà đàm phán đã đồng ý giới hạn chi tiêu tùy ý phi quốc phòng ở mức năm 2023 trong một năm và tăng thêm 1% vào năm 2025.

Cuộc thảo luận mới nhất giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với Quốc hội rằng Mỹ có thể vỡ nợ trước ngày 5/6 - muộn hơn 4 ngày so với dự báo trước đó - nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời để tăng trần nợ liên bang.

Các vấn đề lớn nhất xoay quanh cuộc đàm phán về trần nợ của chính phủ Mỹ kéo dài nhiều tháng qua chính là về yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu để đổi lấy việc nâng trần nợ công của các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện. Trong khi các nhà lập pháp đảng Dân chủ muốn duy trì chi tiêu ổn định ở mức của năm 2023, thì các đảng viên Cộng hòa muốn quay trở lại mức chi tiêu của năm 2022.

Trong khi đó, ông Biden từ chối đàm phán về cắt giảm chi tiêu trong tương lai, thay vào đó yêu cầu các nhà lập pháp trước tiên phải thông qua nâng trần nợ công mà không kèm theo các điều kiện. Các cuộc đàm phán hai chiều giữa người đứng đầu Nhà Trắng Biden và Chủ tịch Hạ viện đã bắt đầu một cách nghiêm túc vào ngày 16/5.

Tuy nhiên, công cuộc nâng trần nợ của Mỹ vẫn chưa thể bắt đầu ngay sau cuộc điện đàm. "Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm vào tối nay (27/5) để dự kiến hoàn thành các chi tiết của thỏa thuận vào ngày 28/5", ông McCarthy nói với phóng viên tại Đồi Capitol và tiết lộ rằng Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 31/5.

Ông McCarthy cho biết, các thành viên Hạ viện sẽ có 72 giờ để đọc dự luật trước khi bỏ phiếu. Khi đó, dự luật này sẽ là phép thử để xem liệu có đủ nghị sĩ ủng hộ các thỏa hiệp trong dự luật hay không.

Sau đó, dự luật sẽ cần phải được Thượng viện thông qua, nơi nó sẽ cần ít nhất 9 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa để thành công. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh hoặc chậm tùy vào các viện.

Lần cuối cùng nước Mỹ gần trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011 và tình hình thỏa thuận lần đó cũng gần tương đồng như hiện tại với một tổng thống và Thượng viện thuộc Đảng Dân chủ và một Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Quốc hội Mỹ vào thời điểm đó đã thành công ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, tuy nhiên nền kinh tế quốc gia này vẫn phải chịu tác động tiêu cực. Các ảnh hưởng lớn nhất bao gồm việc quốc gia này bị hạ xếp hạng tín dụng và các nhà đầu tư thực hiện một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.