Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Reuters trích dẫn Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young, một trong những nhà đàm phán chính của Tổng thống Biden, thúc giục Quốc hội thông qua dự luật. Theo bà, “thỏa thuận này thể hiện một sự thỏa hiệp, nghĩa là không ai có được mọi thứ họ muốn và phải đưa ra những lựa chọn khó khăn”.
Cả Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa McCarthy đều dự đoán rằng họ sẽ có đủ số phiếu để thông qua dự luật trước ngày 5/6 – ngày mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo không còn đủ tiền để chi trả cho các nghĩa vụ của mình.
Về chi tiết, dự luật sẽ đình chỉ giới hạn nợ của Mỹ cho đến hết ngày 1/1/2025, cho phép ông Biden và các nhà lập pháp gạt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024.
Nó cũng sẽ giới hạn một số chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ COVID-19 chưa sử dụng và đưa ra các yêu cầu công việc đối với các chương trình hỗ trợ lương thực cho một số người Mỹ nghèo. Hầu hết các khoản tiết kiệm sẽ đến từ việc giới hạn chi tiêu cho các chương trình trong nước như nhà ở, giáo dục, nghiên cứu khoa học và các hình thức chi tiêu khác. Chi tiêu quân sự sẽ được phép tăng trong 2 năm tới.
Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ có thể giảm chi tiêu từ mức ước tính hiện tại xuống 1500 tỷ USD trong 10 năm bắt đầu từ năm 2024. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội cũng cho biết biện pháp này có thể cắt giảm giảm 188 tỷ USD tiền lãi cho khoản nợ công của đất nước.
Trong bối cảnh đó, chiều ngày 30/5, Ủy ban Nội quy của Hạ viện đã nhóm họp để đưa ra quyết định xem liệu có nên đưa dự luật dài 99 trang này ra bỏ phiếu bởi toàn thể Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát hay không. Nếu Hạ viện thông qua, nó sẽ được chuyển tới Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Theo Reuters, trong buổi họp ngày 30/5, ông McCarthy đã phải đối mặt với một thách thức trực tiếp từ 2/3 đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn trong tổng số 13 thành viên của Ủy ban Quy tắc Hạ viện. Dân biểu Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Chip Roy và Ralph Norman đều khẳng định có thể bỏ phiếu chống nếu dự luật không được thay đổi theo ý muốn của họ.
Tuy nhiên người thứ 3 - Hạ nghị sĩ Thomas Massie – cho biết ông có thể thông qua dự luật này. Điều này dẫn tới khả năng thỏa thuận lưỡng đảng được phép tiến hành bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 31/5 do đạt được đa số phiếu đồng thuận từ Ủy ban Quy tắc. Để có thể thông qua Hạ viện, dự luật này sẽ cần 218/435 phiếu đồng thuận,
Nếu thông qua Hạ viện, một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần nếu các nhà lập pháp tại đây cố gắng làm chậm quá trình này lại. Tính tới hiện tại, Reuters cho biết có ít nhất một Thượng nghị sĩ là đảng viên Cộng hòa Mike Lee cho biết ông phản đối dự luật trong khi các đảng viên Cộng hòa khác cũng bày tỏ sự không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận.