Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô. |
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức sáng 27/4, ông Nguyễn Trọng Thông nhiều lần đề cập về công tác chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ lãnh đạo kế cận, bởi bản thân ông đã trên 70 tuổi, không thể nắm giữ mãi vai trò “thuyền trưởng”. Tuy nhiên ông nhấn mạnh việc “chuyển giao bền vững”, qua đó giúp công ty phát triển bền vững vì đây cũng chính là mục tiêu mà Hà Đô hướng tới.
Nêu thực tế những tập đoàn giàu lên rất nhanh nhưng cũng tan vỡ rất nhanh, ông Thông cho rằng sự bền vững rất cần chú trọng. Vì vậy HĐQT HDG tham gia đợt này đều phải viết đề tài quản trị doanh nghiệp để phát triển bền vững.
“Tập đoàn kinh tế muốn bền vững thì không được phụ thuộc cá nhân nào cả, mà phải hoạt động theo luật pháp - luật Nhà nước và luật công ty. Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, trách nhiệm của HĐQT HDG là phải hoàn chỉnh luật công ty, từ điều lệ, quy trình, quy chế, phân cấp... thật khoa học. Con người là hữu hạn, công ty phải phụ thuộc vào vô hạn thì mới bền vững được,” ông Thông nhấn mạnh.
Làm rõ thêm thắc mắc của cổ đông về tiêu chí “chuyển giao bền vững”, Chủ tịch Hà Đô cho biết, người nhận chuyển giao phải có năng lực quản trị, đặc biệt là xây dựng hệ thống pháp luật của công ty, có quy trình phân cấp rõ ràng trách nhiệm của HĐQT, ban điều hành, tổ chức chiến lược, định hướng, xây dựng lực lượng...
Ban lãnh đạo HDG trả lời câu hỏi của cổ đông trong phần thảo luận. |
Liên quan đến định hướng kinh doanh, ông Nguyễn Trọng Thông cho biết, ba lĩnh vực cốt lõi mà Hà Đô sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới là bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính. Với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua thị trường gặp khó khăn nên công ty không đẩy mạnh để đề phòng rủi ro. Chủ trương của HĐQT là làm đúng luật pháp, bởi đây là yếu tố quan trọng để đi lên bền vững.
Về việc mở bán dự án Hado Charm Villas, lãnh đạo HDG cho biết, do không gặp vấn đề áp lực về dòng tiền nên tập đoàn vẫn đang chờ đợi thời điểm tốt của thị trường để tối đa hóa giá trị, dự kiến vào nửa cuối năm 2024.
Về lĩnh vực năng lượng, HDG sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, cụ thể là chuyển giao mạnh công nghệ điện gió - phức tạp hơn điện mặt trời. Theo ông Thông, hiện tất cả các nhà máy điện gió ngoài khơi hay trong bờ đều do nước ngoài quản lý vận hành, HDG sẽ nỗ lực để làm chủ công nghệ này.
Liên quan đến Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 bị kết luận vi phạm liên quan đến việc xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia, ông Lê Xuân Tuấn - Phó tổng giám đốc HDG cho biết, đây là dự án nhỏ, chỉ chiếm 50MW trong tổng số 500MW sản lượng điện của công ty và chỉ nằm một nửa trên dự án khoáng sản. Hiện EVN vẫn huy động công suất bình thường. HDG sẽ tuân theo hướng xử lý của cơ quan chức năng.
ĐHĐCĐ Hà Đô Group: Lấn sân mảng mới sau 3 năm tăng trưởng âm
Về đầu tư tài chính, ông Chu Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc quản trị tài chính HDG cho biết, Hà Đô có 16 công ty con, các công ty đều có quỹ tiền tệ riêng nên việc đầu tư tài chính không nguy hiểm bằng đầu tư tập trung. Hà Đô có kế hoạch tài chính, dòng tiền theo từng tuần, từng tháng, trên cơ sở đó đầu tư tài chính ngắn hạn.
Công ty đã kết hợp với công ty chứng khoán đầu tư ngắn hạn về trái phiếu, đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn... Tuy nhiên đây chỉ là hoạt động đầu tư ngắn hạn, còn trong chiến lược của HĐQT thì đầu tư tài chính là dài hạn và hướng đến phục vụ các lĩnh vực năng lượng, bất động sản.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông cho rằng đầu tư tài chính nếu chỉ nhằm cân bằng dòng tiền thì "không ăn thua". Theo ông, đầu tư tốt nhất chính là M&A, tất nhiên hiệu quả cao nhưng rủi ro đi kèm cũng lớn. Vì vậy công ty sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này.