Chủ tịch HĐQT Sun Group: “Có những lúc, chúng tôi tưởng rằng mình đã phải từ bỏ ước mơ"

Sungroup DU LỊCH
10:59 - 12/10/2023

Mekong ASEAN: Gần 2 thập kỷ qua, Sun Group được coi là doanh nghiệp tiên phong trong việc tạo dựng các khu du lịch đẳng cấp thế giới tại Việt Nam. Trong bối cảnh ngành du lịch vẫn chưa hết thẫn thờ sau khủng hoảng Covid-19, khi những khó khăn hiện nay vẫn còn bề bộn, có lẽ nên nhớ về “lý do mà ta đã bắt đầu”.

Xin được nghe chia sẻ của ông về tâm niệm của người Sun Group khi bắt đầu một hành trình dài và nhiều cam go như vậy?

Ông Đặng Minh Trường: Tính đến tháng 7/2023, Cục Du lịch Quốc gia thống kê, cả nước có 235 cơ sở lưu trú dịch vụ hạng 5 sao và theo thống kê của TripAdvisor, hiện Việt Nam có khoảng 35 công viên chủ đề.

Nhưng lùi lại gần 20 năm trước, khi Sun Group từ Ukraine trở về Việt Nam, trước mắt chúng tôi là những bãi biển gần như bị bỏ quên, những khu đất trống lau sậy phủ đầy. Cả Đà Nẵng khi đó có duy nhất một resort 5 sao, đỉnh Bà Nà mỗi năm chỉ đón chừng 30.000-40.000 lượt khách. Chúng tôi đứng trước Bà Nà, vừa tiếc nuối cho một viên ngọc quý bị bỏ quên, nhưng cũng thực sự hoang mang, sẽ bắt đầu như thế nào đây, để thay đổi một điểm đến hoang vu như thế.

Phú Quốc, Sa Pa, nhiều điểm đến khác cũng vậy, rõ ràng, chúng ta có những tiềm năng mà nhiều quốc gia khát khao, nhưng khách quốc tế chưa chọn đến, khách trong nước thì mang tiền ra nước ngoài chơi công viên Disneyland hay Universal Studio. Năm 2018, theo thống kê, số người Việt đi du lịch nước ngoài lên đến 10 triệu lượt người/năm.

Cho đến giờ, không chỉ Sun Group đang góp phần khẳng định giá trị và tiềm năng của du lịch Việt Nam. Rất nhiều tập đoàn lớn đang chung tay làm nên vị thế mới cho du lịch Việt. Liên tục có những giải thưởng vinh danh quốc tế dành cho điểm đến, cho những sản phẩm dịch vụ du lịch Việt Nam.

Đó là niềm tự hào to lớn của bất cứ ai chọn đầu tư vào lĩnh vực vốn vẫn được ví von là “bỏ tiền chẵn, thu từng đồng lẻ”.

Mekong ASEAN: Trong hành trình hơn 16 năm làm đẹp những vùng đất, để có được những công trình kỳ vỹ như Sun World Ba Na Hills, Sun World Fansipan Legend…, giờ nhìn lại, ông có bao giờ nản chí và theo ông điều gì là động lực để tập đoàn vượt qua?

Ông Đặng Minh Trường: Khi bắt đầu xây dựng dự án Sun World Ba Na Hills, Sun Group nhận rất nhiều hoài nghi, thậm chí khó khăn ngay từ khâu tuyển dụng nhân sự, vì không ai tin chúng tôi có thể biến một đỉnh núi hoang vu thành điểm đến hấp dẫn.

Thuyết phục được chính quyền ủng hộ mình đã khó, nhưng làm sao để người dân thành phố và ngay cả người lao động tin vào một dự án đã bao nhiêu năm chìm trong quên lãng có thể thay đổi Đà Nẵng mới thực sự vất vả.

Trước Sun Group, nhiều tập đoàn đã đến với đỉnh Bà Nà hay Fansipan rồi lắc đầu rời đi, nhiều chủ đầu tư đã tới khảo sát các dự án như sân bay Vân Đồn và một đi không trở lại. Đó đều là những dự án ngốn vốn đầu tư quá lớn, quá khó khăn để thi công, và cũng phải mất rất nhiều năm sau mới có thể thu hồi vốn chứ chưa nói đến có lãi. Cũng đã có những thời điểm khủng hoảng tài chính, chúng tôi tưởng rằng mình đã phải từ bỏ ước mơ.

Tuy nhiên, có một kỹ sư cáp treo từng gắn bó với Sun Group từ những ngày đầu thành lập từng nói: “Mỗi người được tự do lựa chọn con đường mình sẽ đi. Có người lựa đường dễ để sống an nhàn, có người chủ động chọn đường khó để vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn”.

Chúng tôi thấy con đường mình chọn không phải khó hay dễ, mà đó là cơ hội để được góp sức làm nên những công trình vĩ đại trên quê hương khiến bạn bè thế giới phải nhìn Việt Nam với con mắt khác.

Và cuối cùng Sun Group đã làm được, không phải bởi chúng tôi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như nhiều người từng nói. Chúng tôi làm được, bởi Sun Group có niềm tin đủ lớn, có được những cán bộ nhân viên như người kỹ sư mà tôi nói trên, và cả những đối tác hàng đầu thế giới. Và chúng tôi tin rằng, khó khăn nào cũng có thể vượt qua, nếu ta chọn được người đồng hành tin cậy, có được sự tin tưởng, ủng hộ và hỗ trợ từ chính quyền và người dân địa phương.

Mekong ASEAN: Sun Group được biết đến với vai trò vừa là nhà phát triển du lịch, vừa là chủ đầu tư các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên hai lĩnh vực này đều chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19.

Vậy Sun Group có những kiến nghị, đề xuất gì đến Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Ông Đặng Minh Trường: Khó khăn ở giai đoạn nào cũng có, nhưng có lẽ chưa khi nào ngành du lịch đứng trước những thách thức lớn như bây giờ. “Khủng hoảng kép” Covid-19 và sau đó là suy thoái kinh tế đang khiến cả những cường quốc về du lịch như Thái Lan cũng phải lao đao, du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên có rất nhiều đề xuất mà các doanh nghiệp du lịch như chúng tôi đã kiến nghị từ các cấp chính quyền địa phương cho tới Trung ương, và đã được hỗ trợ hiệu quả.

Mới đây, Chính phủ đã có sự hỗ trợ đặc biệt to lớn với ngành du lịch đó là nâng hạn visa điện tử lên 90 ngày và nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày. Điều này giống như bơm một liều “doping” cho ngành kinh tế xanh.

Tuy nhiên, so với những chính sách visa cực kỳ thông thoáng của Thái Lan - miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore và Malaysia miễn visa cho 162 quốc gia và vùng lãnh thổ... thì Việt Nam vẫn “lép vế”, khó có thể cạnh tranh hay nghĩ đến câu chuyện rút ngắn khoảng cách về kết quả tăng trưởng lượng khách quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải tìm kiếm thêm các thị trường khách quốc tế mới, thay thế những thị trường khách bị sụt giảm. Để làm được điều đó cần cải thiện quyết liệt hơn chính sách visa, tăng thêm số lượng quốc gia được miễn thị thực, thay vì chỉ dừng lại ở con số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu các hình thức linh hoạt hơn như visa tại cửa khẩu, các thủ tục E-visa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào việc giải quyết thủ tục cấp visa nhanh hơn…

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch cùng các địa phương cần có những chính sách quyết liệt hơn, tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và tăng trưởng nếu không Việt Nam sẽ ngày càng bị “bỏ xa” trên hành trình phát triển du lịch.

Với vai trò là những người làm du lịch, trước mắt chúng tôi đề xuất có thể ưu tiên các vấn đề nổi cộm như: Đẩy mạnh và dành ngân sách cho truyền thông marketing điểm đến Quốc gia cũng như các điểm đến trọng điểm; đặc biệt chú trọng giữ và phát triển thị trường chiến lược cho Việt Nam như Hàn Quốc, các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Kiểm soát, bình ổn chất lượng và giá dịch vụ du lịch tại các điểm đến trọng điểm; liên kết hợp tác giữa các điểm đến để có chuỗi sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý cho khách hàng…

Bên cạnh đó, tăng tần suất và các đường bay quốc tế để thu hút khách nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… bởi đây là những thị trường có nhu cầu lớn nhưng hiện số chuyến bay đang bị hạn chế.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, có cơ chế thúc đẩy hợp tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu điểm đến…Đây là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi tình hình sụt giảm du khách quốc tế vốn đang không phải là câu chuyện của riêng quốc gia nào.

Ngay tại Thái Lan, rất nhiều chính sách kích cầu, miễn visa cho các đối tượng khách, đặc biệt là du khách Trung Quốc đang được Chính phủ áp dụng. Đích thân các lãnh đạo cấp cao của nước này đang tham gia vào việc thúc đẩy du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể dừng lại với những gì đang có. Cần những sáng kiến mới, những cách làm thiết thực, hiệu quả, hành động nhanh và quyết tâm cao độ, mới có thể nhanh chóng đạt đến những mục tiêu to lớn hơn trong phát triển du lịch Việt Nam.

Còn với lĩnh vực bất động sản, Sun Group hiện sở hữu Sun Property – thương hiệu phát triển bất động sản cao cấp gắn với du lịch, nghỉ dưỡng cùng với Sun Hospitality (thương hiệu nghỉ dưỡng) - Sun World (vui chơi, giải trí), Sun Property là 1 trong 3 “chân kiềng” thuộc “hệ sinh thái 3S” mà Sun Group đang phát triển tại các điểm đến du lịch trên khắp đất nước.

Khi “một chân kiềng” bất động sản “bị thương nặng”, lĩnh vực du lịch thì chưa thể hồi phục, doanh nghiệp như Sun Group cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên trong khó khăn luôn tồn tại cơ hội, chúng tôi chọn tập trung nguồn lực vào các dự án đang triển khai, với mục tiêu sớm hoàn thiện, bàn giao, vận hành, bổ sung thêm những mảnh ghép cho các hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô quốc tế của tập đoàn.

Song song đó, Sun Property cũng mở rộng đầu tư vào các địa bàn có ngành du lịch khởi sắc như Đà Nẵng với một số dự án mới như Sun Cosmo Residence Da Nang, Sunneva Island và bước đầu ghi nhận tín hiệu khả quan, phản hồi tích cực từ thị trường.

Thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng chưa thể ngay lập tức quay về thời hoàng kim, nhưng đang dần phục hồi để đón đầu sự bứt tốc của ngành du lịch.

Tuy nhiên, để có thể từng bước vực dậy thị trường bất động sản, Sun Group đề xuất cần có sự phân cấp thẩm quyền rõ rệt hơn từ phía các cơ quan chức năng, kiến nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền đối với các lĩnh vực, thí điểm ở một số địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, cấp phép đối với lĩnh vực bất động sản.

Mekong ASEAN: Hiện Việt Nam vẫn đang tìm kiếm và lựa chọn các sản phẩm du lịch để xây dựng thành thương hiệu quốc gia, xin được nghe một vài đề xuất từ ông về vấn đề này?

Ông Đặng Minh Trường: Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hoá phong phú, thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, song dường như đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta gặp khó trong việc chọn ra các sản phẩm, dịch vụ mang dấu ấn riêng để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, điển hình như đề xuất đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn của thế giới" hay biến Việt Nam thành "điểm đến di sản"..., nhưng chưa có sự thống nhất. Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân của việc này là chúng ta chưa có sự nghiên cứu, đánh giá và đầu tư bài bản để có thể chọn ra một sản phẩm/ dịch vụ mang tầm thương hiệu quốc gia.

Ví dụ như muốn Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới thì chúng ta phải đầu tư phát triển và quảng bá để ẩm thực Việt Nam thực sự là điểm nhấn, khiến du khách nhắc đến Việt Nam là nhớ đến ẩm thực đặc sắc. Với cách làm ẩm thực hiện nay thì chúng ta còn một chặng đường dài, tuy nhiên đây cũng là một hướng đi để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia khác biệt so với nhiều điểm đến đã rất nổi tiếng của thế giới.

Mekong ASEAN: Nhìn về ngành du lịch Việt Nam trong 5 năm tới, ông có kỳ vọng gì? Và Sun Group có những kế hoạch gì để góp phần giúp du lịch Việt Nam ngày càng nở rộ?

Ông Đặng Minh Trường: Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn song trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam đã đón 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước và vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023. Tuy vẫn còn xa mới trở lại mức tăng trưởng của năm 2019, nhưng những con số này thực sự là làn gió mát kể từ sau đại dịch Covid-19 bởi cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam mới chỉ đón 1,44 triệu lượt khách quốc tế.

Với đà này, trong 5 năm tới, chúng tôi kỳ vọng du lịch Việt Nam không chỉ lấy lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như thời điểm trước dịch, mà còn bứt phá, vươn lên đĩnh đạc sánh vai với các cường quốc du lịch khác trong khu vực…

Để đạt được mục tiêu đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, địa phương cho đến cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo thêm cú hích cho du lịch thăng hoa bằng những chính sách thiết thực, những hành động mạnh mẽ và sự đầu tư xứng đáng.

Về phía Sun Group, chúng tôi đã có những chiến lược dài hạn và ngắn hạn để tiếp sức, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, bằng những công trình, sản phẩm, dịch vụ mà tôi tin rằng, đó sẽ là những lý do để du khách trong nước liên tục quay lại các điểm đến, và khách quốc tế phải tìm đến Việt Nam. Đây sẽ là những món quà bí mật mà chúng tôi mong được gửi đến du khách thời gian tới.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp