Chủ tịch JICA: Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với ASEAN

JICA NHẬT BẢN
16:28 - 19/12/2023
0:00 / 0:00
0:00
JICA tuyên bố sẽ hợp tác với ASEAN và các nước thành viên với tư cách là những đối tác bình đẳng và ngày càng quan trọng hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản vừa qua, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko cho biết, năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN.

"Đây là thời điểm để nhìn lại 50 năm qua và cân nhắc về những gì sẽ làm cho thế hệ tương lai nhằm gìn giữ hòa bình và thịnh vượng ở Nhật Bản và ASEAN trong 50 năm tới", ông Tanaka Akihiko nói.

ASEAN được thành lập vào năm 1967 và mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN bắt đầu vào năm 1973, khi hai bên giải quyết mâu thuẫn về xuất khẩu cao su tổng hợp của Nhật Bản thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng.

Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko.

Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko.

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Takeo Fukuda tại Manila năm 1977 mà sau này được gọi là Học thuyết Fukuda, ông đã đề ra ba nguyên tắc: thứ nhất, Nhật Bản cam kết sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc quân sự; thứ hai, Nhật Bản sẽ xây dựng mối quan hệ chân thành và tin cậy với các quốc gia Đông Nam Á dựa trên sự thông hiểu "từ trái tim đến trái tim"; thứ ba, Nhật Bản sẽ là đối tác bình đẳng của ASEAN và các nước thành viên.

Trong thập niên tiếp theo, vào năm 1981, khi Thủ tướng Zenko Suzuki đến thăm các nước ASEAN, ông đã đề xuất Nhật Bản hợp tác thành lập các Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực ASEAN. Các trung tâm này đóng vai trò là dự án tiên phong của Nhật Bản nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy giao lưu giữa người dân ASEAN và Nhật Bản, từ đó, đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và ASEAN ngày nay.

Mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN đã trải qua những thay đổi lớn sau Thỏa ước Plaza năm 1985. Các công ty Nhật Bản đã mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh ở các nước Đông Nam Á. Song song với đó, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội qua nguồn vốn ODA, góp phần vào sự phát triển của các nước ASEAN.

"Thành tựu phát triển kinh tế ở các nước ASEAN cũng như việc thành lập Cộng đồng ASEAN và sự hội nhập sâu rộng của khối này kể từ đầu thế kỷ 21 rất đáng khâm phục", ông Akihiko nói.

Trước đại dịch Covid-19, các nước ASEAN đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tăng hơn gấp đôi GDP danh nghĩa trong 10 năm và được mệnh danh là "tâm điểm tăng trưởng của thế giới". Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, các nước thành viên ASEAN có mức tăng trưởng âm, ngoại trừ Việt Nam. Nhưng kể từ đó, các nước đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái.

Về mặt chính trị, các nước này đã thành lập Cộng đồng ASEAN. Các nước ASEAN tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2003 và thông qua Hiến chương ASEAN vào năm 2007. Cuối năm 2015, ASEAN đã tăng cường hội nhập sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên bằng việc thành lập Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

Với sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN, việc thành lập Cộng đồng ASEAN và hội nhập ngày càng sâu sắc giữa các thành viên cũng như sự nổi lên của ASEAN với tư cách là một bên tham gia quan trọng trong cộng đồng quốc tế, mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN đang có những thay đổi đáng kể.

Các quốc gia thành viên ASEAN cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với Nhật Bản bởi hòa bình và thịnh vượng của ASEAN cũng trực tiếp góp phần vào hòa bình và thịnh vượng chung trên toàn khu vực Đông Á, bao gồm Nhật Bản. JICA sẽ mở rộng hỗ trợ để củng cố Cộng đồng ASEAN và Ban Thư ký.

"Ngày nay, khi nhìn ra thế giới bên ngoài, chúng ta thấy một chuỗi các cuộc khủng hoảng kép mà ta có thể phân loại thành 3 lớp khủng hoảng. Lớp ngoài cùng là khủng hoảng hệ thống vật chất mà biểu hiện điển hình là biến đổi khí hậu và thiên tai. Lớp ở giữa là khủng hoảng hệ thống sống thể hiện qua các bệnh truyền nhiễm và thảm họa sinh thái và lớp trong cùng là khủng hoảng hệ thống xã hội mà hậu quả là xung đột vũ trang, bất ổn địa - chính trị và các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội", ông Akihiko nhận định.

Trong bối cảnh này, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy thiết lập trật tự mới dựa trên quy tắc từ khu vực châu Á sang châu Phi theo tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đáp lại, ASEAN thực hiện "Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (AOIP). Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với ASEAN và các quốc gia thành viên, vốn là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chủ tịch Tanaka Akihiko khẳng định, JICA sẽ hợp tác với ASEAN và các nước thành viên với tư cách là những đối tác bình đẳng và ngày càng quan trọng hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. JICA đã bắt đầu hợp tác với Ban Thư ký ASEAN cũng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và các nước khác để giải quyết các vấn đề trong khu vực, ngoài khu vực và cả những vấn đề toàn cầu.

JICA sẽ tiếp tục mở rộng sự hợp tác này trong những năm tới. Một đặc điểm trong các hoạt động hợp tác kỹ thuật trước đây của JICA, bao gồm các chương trình đào tạo, là các bên tham gia từ Nhật Bản và các nước ASEAN có thể hiểu được những điểm mạnh của nhau và cùng nhau kiến tạo tri thức thông qua đối thoại và tương tác. Trong tương lai, JICA sẽ thúc đẩy hơn nữa loại chương trình tương tác và hợp tác này.

Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác và trao đổi giữa Nhật Bản và các nước ASEAN cũng cần tăng cường theo hướng đa tầng hơn thông qua nhiều kênh khác nhau trong khu vực công và tư nhân. Ngày nay, nhiều hoạt động của JICA vẫn nhận được sự hỗ trợ của các đối tác trong ngành công nghiệp, chính phủ và giới học thuật.

Từ bây giờ, JICA sẽ xem xét cách hỗ trợ hoạt động của các đối tác đó nhằm góp phần vào sự phát triển và ổn định của khu vực ASEAN.

"Khi tôi nhìn lại 50 năm hợp tác vừa qua của JICA, thông qua hỗ trợ tài chính, hợp tác kỹ thuật và các chương trình tình nguyện, chúng tôi hướng tới và đã đạt được mối quan hệ chân thành giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim, thực sự đã vun đắp niềm tin giữa ASEAN và Nhật Bản. Đó chính là điều mà Học thuyết Fukuda muốn đề ra. Để tiếp tục là đối tác tin cậy và quan trọng, Nhật Bản phải tiếp tục học hỏi các nước ASEAN đang phát triển và tổ chức đối thoại chuyên sâu để cùng nhau tiến bộ", Chủ tịch JICA nhấn mạnh.

Đọc tiếp