Lãnh đạo Techcombank trong phiên thảo luận cùng cổ đông. (Ảnh: Thu Trang) |
Kế hoạch lãi trước thuế giảm, không chia cổ tức
Tại đại hội, Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết trong năm 2023, ngân hàng này đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Theo Tổng giám đốc ngân hàng, thời điểm này vẫn còn khá sớm để nhận định năm nay của Techcombank sẽ như thế nào, do tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng vẫn đang được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước.
"Mặc dù nền kinh tế còn nhiều thách thức nhưng chiến lược kinh doanh của Techcombank vẫn không thay đổi. Chúng tôi tin rằng, với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, người dân vẫn sẽ tiếp tục giàu có lên, số lượng tầng lớp trung lưu tăng lên, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng về tầng lớp này cao nhất trong nhóm Đông Nam Á", ông Jens Lottner nhận định.
Do đó, Techcombank vẫn sẽ tiếp tục hướng đến đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, trong đó có nhu cầu nhà ở. Nhiều người dân Việt Nam muốn sở hữu một bất động sản, xem ngôi nhà là tài sản lớn nhất của họ. Hiện nay Techcombank đang ở vị thế khá tốt, khoảng 60 -70% khách hàng của ngân hàng muốn sở hữu bất động sản để tích luỹ tài sản.
Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner trình bày kế hoạch kinh doanh tại đại hội. Ảnh: Thu Trang |
Ngoài ra, trong năm nay, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của ngân hàng là gần 17.907 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỷ đồng.
Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.538 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức trong năm nay, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, vào năm 2017, ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tới 200%. "Tôi cho rằng chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về góc độ cải thiện các chỉ số. Năm nay chúng ta cũng đã bổ sung hơn 32.000 tỷ đồng vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn", Chủ tịch Techcombank nói với cổ đông.
Về cổ tức tiền mặt, ông Hồ Hùng Anh cho biết còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch Techcombank cũng thông tin, vào năm 2013 ngân hàng đã lên kế hoạch 10 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt, vì thế đây đã là năm cuối cùng của kế hoạch này nên có thể sau đó HĐQT sẽ xem xét vấn đề chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông được nhận đầy đủ quyền lợi.
Tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, ngân hàng đặt kế hoạch phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
Phía ngân hàng cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đổi về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.
Cho vay BĐS tại Techcombank phần lớn là khách hàng cá nhân
Tại phần thảo luận, cổ đông ngân hàng Techcombank liên tục có những câu hỏi xoay quanh vấn đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank cùng các vấn đề liên quan đến bất động sản, cho vay dự án liên quan đến Masterise.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng có lượng cho vay trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cao, tuy nhiên phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà.
Chia sẻ về vấn đề liên quan đến các dự án của Masterise, ông Hùng Anh nhận định, thực tế vai trò của Masterise không phải là công ty đầu tư bất động sản mà có vai trò ký kết với các chủ đầu tư để triển khai dự án và thu phí.
"Các dự án Masterise đang triển khai đều hoạt động bình thường và đạt tiến độ xây dựng. Một trong số ít dự án đã được bàn giao nhà cho khách hàng đúng hạn mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn", Chủ tịch Techcombank nói với cổ đông.
Về trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Techcombank khẳng định luôn quản lý như một khoản vay và trái phiếu của ngân hàng đều được quản lý từ các góc độ sức khoẻ, tài sản bảo đảm và khả năng trả nợ. Lượng tư vấn ra thị trường bán lẻ là rất lớn, nhưng đến hiện tại chưa có trái phiếu nào mà Techcombank tư vấn bị quá hạn về lãi và gốc, cho thấy kết quả năng lượng quản lý về rủi ro trái phiếu của ngân hàng là cao.
Giá trị sổ sách của trái phiếu đã giảm rất nhiều nhưng việc giảm là vấn đề thời gian. Với Nghị định 08 và các chính sách khác của Chính phủ, tôi tin rằng chắc chắn thị trường trái phiếu sẽ quay trở lại. Techcombank với lợi thế của mình về phát hành đa dạng trái phiếu, quản trị đầu tư, quản lý tài sản,... thì khi thị trường quay lại phục hồi trong quý 2, quý 3/2023 thì tốc độ tăng trưởng của Techcombank sẽ quay lại nhanh. Năm vừa rồi là năm khó khăn ở 2 lĩnh vực mà Techcombank gần như mạnh nhất thị trường. Nhưng kể cả giai đoạn khó khăn, thì ngân hàng vẫn quản trị tốt.