Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia chỉ tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,14 tỷ USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Malaysia bao gồm sắt thép với 259 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 227 triệu USD; điện thoại và linh kiện với 211 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 170 triệu USD...
Trong nhóm nông sản, Việt Nam còn xuất khẩu 337.963 tấn gạo sang Malaysia với giá trị 202 triệu USD. Malaysia là một trong 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024.
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, quốc gia Đông Nam Á này có thị trường mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng còn gặp nhiều thách thức tại thị trường này. Cụ thể, hàng hóa Việt có sự cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khấu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…, do thị trường Malaysia tương đối mở cho hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp Việt ngại tiếp cận thị trường do các rào cản về ngoại ngữ, sự khác biệt về văn hóa…
Nhiều doanh nghiệp e ngại thiết lập kênh phân phối cho sản phẩm của mình, gửi hàng mẫu, tham gia hội chợ hoặc gặp gỡ khách hàng tại địa bàn. Doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư vào việc đổi mới sản phẩm cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng sở tại. Trong khi đó, người tiêu dùng nước này đã quen tiếp xúc với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh.
Chứng chỉ Halal - giấy thông hành đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu Trong bối cảnh các thị trường trọng điểm của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khu vực tiêu thụ thực phẩm Halal đang nổi lên là một thị trường có tiềm năng mở ra không gian tăng trưởng mới cho kim ngạch xuất khẩu. |
Đối với vấn đề xuất khẩu hàng hoá cho thị trường Halal, Malaysia là nước có tỷ lệ dân theo đạo Hồi lớn, trên 65%. Theo Thương vụ Việt Nam tại Malayisa, việc có chứng chỉ Halal sẽ giúp sản phẩm tiếp cận được lượng người tiêu dùng đông đảo hơn, do tại thị trường này, người Hồi giáo chiếm tỷ lệ lớn và có ý thức rất cao về lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ.
Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ Halal không phải do cơ quan Nhà nước Việt Nam quản lý mà do các cơ quan chính quyền một số nước Hồi giáo công nhận. Hiện chỉ có một đơn vị phi chính phủ cấp chứng chỉ Halal tại Việt Nam được JAKIM (thuộc Bộ phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia) công nhận.
Mặt khác, việc áp dụng tiêu chuẩn Halal cũng làm tăng chi phí cho các sản phẩm lượng thực, thực phẩm xuất khẩu.
Tuy vậy, theo Thương vụ, việc cấp chứng chỉ Halal cần được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời khuyến kích các doanh nghiệp xuất khẩu tự nguyện thực hiện. Đồng thời tăng số lượng các đơn vị được cấp chứng chỉ này với thời gian có giá trị dài hơn, cũng như cần giảm chi phí cho việc đánh giá và cấp chứng chỉ để phù hợp với khả năng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ