Chứng khoán VIX báo lãi quý 3 giảm 40%, mạnh tay mua trái phiếu chưa niêm yết

VIX DOANH NGHIỆP
11:06 - 19/10/2022
VIX là một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn trên sàn hiện nay.
VIX là một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn trên sàn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý 3/2022, CTCP Chứng khoán VIX (mã chứng khoán VIX) ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh ở tất cả các mảng. Vì vậy, lợi nhuận thu về đi lùi 40% so với cùng kỳ 2021.

Trong kỳ, tổng doanh thu hoạt động của VIX đạt 182 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu môi giới giảm 50% còn 22 tỷ đồng; lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 54% xuống còn 118 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tư vấn, bảo lãnh, đại lý phát hành giảm 61% xuống còn 14 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động cũng giảm mạnh 62% so với cùng kỳ. Kết quả, VIX mang về lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, giảm 40%.

Đây là quý thứ ba liên tiếp, công ty chứng khoán bị sụt giảm về doanh thu hoạt động. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, VIX ghi nhận doanh thu và lãi trước thuế cao nhất vào quý 1/2021, lần lượt là 511 tỷ đồng và 398 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của VIX đạt 950 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 415 tỷ đồng, giảm 28%. Năm nay, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế giảm 10,8% so với thực hiện trong năm 2021 về 656 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, VIX đã hoàn thành 63% kế hoạch.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, VIX ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm tới 1.194 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 237 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm 447 triệu đồng còn dòng tiền tài chính dương 3.139 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu.

Năm 2020, Chứng khoán VIX ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 96,1 tỷ đồng và năm 2021 tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục 1.823 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Chứng khoán VIX tăng 80% so với đầu năm lên 8.238 tỷ đồng. Khoản tăng chủ yếu đến từ FVTPL (tăng từ 1.600 tỷ đồng lên 4.685 tỷ đồng); tiền và các khoản tương đương tiền (tăng từ 80 tỷ đồng lên hơn 2.000 tỷ đồng). Ngược lại, các khoản cho vay giảm từ 2.990 tỷ đồng xuống còn 1.409 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, phần FVTPL tăng mạnh do trong 9 tháng đầu năm 2022, VIX mạnh tay đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết. Cổ phiếu chưa niêm yết tăng từ 13 tỷ đồng lên 533 tỷ đồng. Phần này giúp công ty lãi 193 tỷ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết tăng từ 880 tỷ đồng lên 2.941 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn mua thêm 178 tỷ đồng trái phiếu niêm yết trong khi đầu năm không ghi nhận. Phần cổ phiếu niêm yết cũng tăng từ 614 tỷ đồng lên 911 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm lập báo cáo khoản đầu tư này đã lỗ 72 tỷ đồng.

Trong báo cáo quý 3, VIX không nói rõ đang đầu tư vào các cổ phiếu nào. Còn trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm, các cổ phiếu niêm yết mà công ty này nắm giữ tại thời điểm 30/6/2022 là IDC, VGC, IJC, GEX. Các cổ phiếu chưa niêm yết là IDP, VAV, HEM, CTCP Hạ tầng Gelex và các cổ phiếu khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.