Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong 'miếng bánh' tự động hóa sản xuất

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong 'miếng bánh' tự động hóa sản xuất

Công nghiệp Intech Group
07:51 - 14/10/2023
Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất quan tâm các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ sản xuất như là thiết kế, tự động hóa các công đoạn sản xuất hay tự động hóa nhà máy.

Doanh nghiệp tự động hóa Việt Nam liệu có thể chớp được cơ hội này? Phóng viên Mekong ASEAN đã có trao đổi với ông Hoàng Hữu Yên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) về vấn đề này.

Mekong ASEAN: Xin ông chia sẻ về ý tưởng và lý do mà Intech Group lựa chọn đầu tư vào tự động sản xuất và nhà máy?

Ông Hoàng Hữu Yên: CTCP Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) thành lập năm 2011. Khi mới thành lập, Intech đầu tư vào những sản phẩm cơ bản như con lăn và băng tải. Sau đó, chúng tôi nhận thấy đầu tư vào tự động hóa nhà máy để nâng cao năng suất, hiệu quả là xu thế mà các doanh nghiệp đang hướng tới.

Ở các nước phát triển đang áp dụng nhiều công nghệ, dây chuyền tự động hóa vào trong sản xuất. Tham gia vào lĩnh vực tự động hóa sẽ mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho Intech, cũng như giúp Intech đóng góp vào sự phát triển chung của nền công nghiệp nước nhà.

Các sản phẩm, giải pháp về tự động hóa là thế mạnh chúng tôi với sản phẩm hệ thống robot bốc xếp hàng hóa cho các nhà máy, bao gồm bốc xếp thùng carton, bốc xếp sản phẩm trực tiếp hay là bốc xếp đóng bao trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp thứ hai là hệ thống phân loại sản phẩm cho ngành logistics và giải pháp thứ ba là dây chuyền đóng gói cho các nhà máy với các công đoạn đóng thùng, gấp và dán thùng carton.

Mekong ASEAN: Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đã gặp những thuận lợi, cũng như phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào? Theo ông doanh nghiệp đã làm thế nào để vượt qua những thách thức này?

Ông Hoàng Hữu Yên: Intech cũng như các doanh nghiệp nói chung gặp được những thuận lợi nhất định khi đất nước trong quá trình chuyển mình, đem đến nhiều cơ hội từ nhu cầu đầu tư tự động hóa cho nhà máy.

Nhà nước có rất nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp như Intech tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Đặc biệt, Nhà nước quan tâm đến các doanh nghiệp cơ khí, nhất là về tự động hóa như Intech.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Intech cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia vào lĩnh vực tự động hóa như thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật và nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Để khắc phục, chúng tôi đã chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo để nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên; cử các kỹ sư, chuyên gia đi tham quan nhà máy tại các nước phát triển như Nhật Bản, Đức học hỏi kinh nghiệm.

Intech cũng đầu tư mạnh cho mua sắm trang thiết bị hiện đại, máy móc CNC (computer numerical control: máy móc được điều khiển bằng máy tính, có năng suất và độ chính xác cao) có tính chuyên dụng cao để đáp ứng lĩnh vực mà Intech đang theo đuổi.

Mekong ASEAN: Hội nhập quốc tế và hình thành chuỗi cung ứng khu vực đang trở thành xu hướng tất yếu. Intech đã có kế hoạch hành động như thế nào để kết nối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Việt Nam?

Ông Hoàng Hữu Yên: Intech tham dự nhiều hội chợ, triển lãm như triển lãm công nghiệp hỗ trợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời tham gia vào các Hiệp hội công nghiệp, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Intech cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ các tổ chức xúc tiến giao thương của Nhật Bản như Jetro hay Jica, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, trong đó có những doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam.

Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, Intech xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, ở đó, các kỹ sư của chúng tôi nghiên cứu và thử nghiệm chuyên sâu sản phẩm. Tất cả sản phẩm của Intech trước khi được cung cấp ra thị trường đều được kiểm tra nghiêm ngặt tại trung tâm nghiên cứu này.

Công nghệ tự động hóa giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất cho nhà máy. Đồng thời giúp doanh nghiệp kiểm soát các chỉ số một cách trực quan, kịp thời nhất, để từ đó có những phương án điều chỉnh phù hợp, bắt kịp diễn biến của thị trường.

Khi doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng thường yêu cầu số lượng lớn với chất lượng đồng đều, với chi phí cạnh tranh. Do đó, những doanh nghiệp như Intech phải tối ưu hóa sản xuất, cụ thể là tối ưu về vật liệu, nguyên liệu, quá trình gia công và vận chuyển.

Doanh nghiệp nước ngoài mua sản phẩm của doanh nghiệp Việt để gia công xuất khẩu thì sẽ đặt yêu cầu rất cao về chất lượng nên Intech cũng phải nâng cao quy trình sản xuất và năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Chúng tôi xác định cần vận hành theo quy trình để có thể truy xuất được sản phẩm của mình đang ở giai đoạn nào, chế độ nào và tiến độ như thế nào. Khâu vận chuyển, đóng gói sản phẩm cũng phải rất chuyên nghiệp để sản phẩm được bảo quản tốt để đi đường biển.

Cùng với đó là vấn đề liên quan đến môi trường. Sản phẩm có tác động xấu đến môi trường không? Phụ kiện đóng gói, vận chuyển khi sang đến nước nhập khẩu có ảnh hưởng đến môi trường không? Xử lý như thế nào? Đó là bài toán mà Intech sẽ phải giải trong quá trình cung cấp hàng hóa cho các khách hàng khó tính.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp