Mô hình sáng kiến tàu ươm con giống nuôi biển của Hiệp hội nuôi biển Việt Nam. |
Trong khuôn khổ Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (VIMOX 2023), hội nghị ngành hàng hải 2023 diễn ra vào chiều 5/7 đã bàn thảo về những dư địa cho ngành này, trong đó có các cơ hội từ nuôi trồng thủy sản biển.
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam khẳng định, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển. “Nếu có chiến lược phát triển tốt, ngành nuôi biển có thể thu về kim ngạch xuất khẩu 10 - 15 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nuôi biển đang theo chiều hướng giảm dần”, ông Dũng cho biết.
Lý do được Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển chỉ ra là ngành này chủ yếu được duy trì bởi các hộ ngư dân nhỏ, thiếu khoa học công nghệ, chưa phát triển thành ngành công nghiệp, thiếu mối liên hệ trong chuỗi cung ứng và nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, một trong những lĩnh vực có thể bổ trợ giúp nuôi trồng thủy sản biển phát triển đó là ngành công nghiệp đóng tàu thủy.
Cụ thể, việc đóng những đội tàu lớn để nuôi cá trên biển tương tự mô hình Trung Quốc là một gợi ý để Việt Nam áp dụng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng tàu còn có thể tạo ra những đội tàu vận chuyển dịch vụ công nghệ ngành nuôi biển, hay sản xuất các thiết bị phun thức ăn vào các lồng nuôi biển thông qua cơ giới hóa, tự động hóa.
Lấy ví dụ mô hình lồng thép của Nauy nuôi được 10.000 tấn cá/năm, ông Dũng cho rằng, Việt Nam cũng có thể sản xuất ra các đội tàu nuôi cá bằng chất liệu có thể chìm hoàn toàn trong biển.
"Không những ngành nuôi biển được hưởng lợi từ ngành đóng tàu. Ngược lại, ngành nuôi biển cũng tạo ra nhiều cơ hội trong tương lai cho ngành đóng tàu từ các thiết bị máy móc, khoa học công nghệ. Sự kết hợp của nuôi trồng thủy sản biển và đóng tàu còn tạo ra dư địa cho nhiều ngành khác phát triển như năng lượng tái tạo, du lịch”.
Từ kinh nghiệm của các nước phát triển mô hình nuôi biển kết hợp với công nghệ đóng tàu, ông Dũng đề nghị Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy cùng Hiệp hội nuôi biển Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ đóng các tàu biển nuôi trồng thủy sản công nghiệp cỡ lớn, nhằm phát triển quy mô của ngành, giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, ông Dũng cũng đề xuất thỏa thuận hợp tác với Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy thử nghiệm và ứng dụng các thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ nuôi biển công nghiệp.
Hai bên có thể phối kết hợp tổ chức thi thiết kế trang thiết bị nuôi biển công nghiệp trên biển khơi, kết hợp du lịch biển, câu cá giải trí và các tàu dịch vụ khác.
“Hai hiệp hội cần tích cực hợp tác với các tổ chức khác trong lĩnh vực kinh tế biển như du lịch, dầu khí, điện gió, khai khoáng biển, hàng hải, cảng biển, vì mục tiêu bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, tái tạo các hệ sinh thái biển”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của Việt Nam đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.