Chốt phiên 27/10, VNZ giảm 3,87% về còn 767.300 đồng/CP, vẫn là cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quyết định đưa cổ phiếu VNZ ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 1/11 do tổ chức đăng ký giao dịch đã nộp cho HNX báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét.
Trước đó, cổ phiếu VNZ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/10 và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do VNG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
VNG lỗ thêm hơn 250 tỷ đồng sau kiểm toán
Sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, tối ngày 24/10, VNG công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023, ghi nhận doanh thu 4.098 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm chủ yếu vẫn là dịch vụ trò chơi trực tuyến với 3.069 tỷ đồng, tăng 18,6%. Lợi nhuận gộp từ đó cũng tăng 346 tỷ đồng lên 1.946 tỷ đồng, không có nhiều khác biệt so với BCTC tự lập quý 2/2023.
Tuy nhiên, khấu trừ thuế phí, VNG báo lỗ sau thuế bán niên 293,3 tỷ đồng, con số này cao hơn nhiều khoản lỗ 40 tỷ đồng của BCTC tự lập quý 2/2023.
Đối chiếu 2 báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm, chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG đạt 752 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là 682 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần lỗ trong công ty liên kết sau 6 tháng đầu năm của VNG là 233 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ, con số này cũng cao hơn nhiều khoản lỗ 49,6 tỷ đồng của báo cáo tự lập quý 2/2023.
Tính đến ngày 30/6/2023, VNG ghi nhận 1.980,4 tỷ đồng đầu tư vào 8 công ty liên kết, trong đó lớn nhất là 515 tỷ đồng của Telio và 513 tỷ đồng của Funding Asia. Trong 6 tháng đầu năm 2023, VNG ghi nhận lỗ lần lượt 282 tỷ đồng và 69 tỷ đồng từ 2 công ty liên kết nói trên.
Trên thị trường chứng khoán, gần 36 triệu cổ phiếu VNZ chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/CP vào ngày 5/1/2023. Sau 14 phiên đầu tiên không có giao dịch, VNZ tăng trần 11 phiên liên tiếp từ 1/2 – 15/2, thị giá tăng vượt lên 1.358.700 đồng/CP, qua đó trở thành cổ phiếu có giá đắt nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau khi lập đỉnh lịch sử, VNZ quay đầu đầu giảm và đến nay giao dịch ổn định quanh mốc 800.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch mỗi phiên cũng chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu. Chốt phiên 27/10, VNZ giảm 3,87% về còn 767.300 đồng/CP, vẫn là cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.