Cổ phiếu ngân hàng đè thị trường, VN-Index thoát thua trong gang tấc

VN30 VNINDEX
16:27 - 09/11/2023
PDR và VIX là những mã tăng điểm đáng chú ý của phiên 9/11.
PDR và VIX là những mã tăng điểm đáng chú ý của phiên 9/11.
0:00 / 0:00
0:00
Trước áp lực giảm điểm tới từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, với phần lớn là cổ phiếu ngân hàng, VN-Index chứng kiến nhiều nhịp rung lắc mạnh trong phiên chiều 9/11, thậm chí có thời điểm về dưới mức tham chiếu.

Sau khi tăng hơn 33 điểm lên vượt ngưỡng 1.110 điểm trong phiên 8/11, thị trường chứng khoán mở cửa ngày 9/11 với tâm lý khá hưng phấn, chỉ số VN-Index từ đó cũng tăng gần 5 điểm sau phiên ATO.

Tuy nhiên đà tăng này sớm nhận gáo nước lạnh khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều như VCB, TCB, BID, VIB, SSB hay GAS, đẩy VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng tham chiếu chỉ sau 30 phút đầu phiên.

Bất chấp diễn biến trái chiều từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán càng về sau càng tăng mạnh, đặc biệt là vào 2 ngành chứng khoán và bất động sản.

VN-Index sớm lấy lại đà tăng và đạt đỉnh ngày 1.124,78 điểm lúc 10h45 (tăng 11,35 điểm).

Tuy nhiên, VN30 một lần nữa kéo thị trường đi xuống, co hẹp biên độ tăng điểm của VN-Index về còn 6,14 điểm lên 1.119,57 điểm tạm nghỉ phiên sáng 9/11.

Sang phiên chiều, áp lực giảm điểm của nhóm VN30 tiếp tục khiến VN-Index rung lắc mạnh. Tới gần 14h, chỉ số này rơi xuống dưới mức tham chiếu, trước khi phục hồi lên trên ngưỡng 1.120 điểm (tăng gần 7 điểm) lúc 14h15.

Những tưởng đà tăng sẽ được duy trì khi thị trường tràn ngập sắc xanh, VN-Index tiếp tục đảo chiều, đặc biệt là ở phiên ATC. Chốt phiên 9/11, VN-Index tăng 0,46 điểm lên 1.113,89 điểm, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tăng với 342 mã tăng so với 202 mã giảm.

Thanh khoản sàn HoSE đạt 1,05 tỷ đơn vị, tương đương giá trị gần 22.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 10,29% và 18,3% so với phiên hôm qua. Đây cũng là thanh khoản cao nhất trong 10 phiên trở lại đây của HoSE.

Trái ngược với thị trường chung, VN30 chỉ có 8 mã tăng so với 18 mã giảm điểm, bản thân chỉ số VN30 cũng giảm 7 điểm về còn 1.122,95 điểm. Ngoại trừ MBB duy trì mức tham chiếu và CTG tăng 0,9%, toàn bộ các mã ngân hàng còn lại trong nhóm đều giảm điểm, đáng kể nhất là VCB (-1,8%), SSB (-1,8%), VPB (-1,7%), STB (-1,2%), ACB (-1,1%)…

Dù đà tăng phần nào bị ảnh hưởng trong phiên chiều, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường với hàng loạt mã tăng mạnh như VIX (6,8%), SBS (5,9%), APS (5,6%), BSI (5%), AGR (3,5%), CTS (2,6%), VND (2,6%), SSI (1,82%)… Ở chiều ngược lại, MBS (-0,5%), SHS (-0,6%), VCI (-0,6%) là những mã duy nhất giảm điểm.

Trong số các cái tên kể trên, đáng chú ý hơn cả VIX. Cổ phiếu này tăng mạnh từ đầu phiên và sớm thách thức mức giá trần 15.600 đồng/CP. Bước vào giờ nghỉ, VIX tăng 6,5% lên 15.550 đồng/CP, dẫn đầu toàn thị trường về thanh khoản với 46,56 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương giá trị 718 tỷ đồng.

Sang chiều, VIX nhanh chóng tăng trần và giữ nguyên mức giá này cho tới cuối phiên. Thanh khoản của VIX đạt 61,69 triệu đơn vị, tương đương 954 tỷ đồng, chỉ xếp sau SSI với 1.057 tỷ đồng. Xét về khối lượng, đây là phiên giao dịch có thanh khoản lớn thứ 3 trong lịch sử của VIX, xếp sau phiên 22/9/2023 (64,66 triệu) và 26/6/2023 (68,56 triệu).

Bất động sản cũng có cho mình nhịp tăng điểm ấn tượng. Toàn sàn HoSE có 11 mã tăng trần, bất động sản có tới 4 đại diện là DXS, PDR, TIX và DRH. Trong đó đáng chú nhất là PDR với 31,3 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương giá trị 790 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng điểm mạnh khác là NLG (5,9%), NVL (5,2%), KHG (3,9%), AGG (3,1%), KDH (2,7%), DIG (2,5%), bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE cũng tăng lần lượt 5,6%, 4,6% và 2,5%.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.