Công nhân dệt may tại Bangladesh biểu tình hàng loạt

Biểu tình Bangladesh
11:22 - 12/11/2023
Công nhân dệt may biểu tình tại Dhaka, Bangladesh ngày 10/11. Ảnh: AFP
Công nhân dệt may biểu tình tại Dhaka, Bangladesh ngày 10/11. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 11/11, tổng cộng 150 nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Bangladesh phải đóng cửa “vô thời hạn”, sau khi các cuộc biểu tình đòi tăng lương tối thiểu với sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân nổ ra.

Tại Bangladesh, 3.500 nhà máy may mặc chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm trị giá 55 tỷ USD của quốc gia. Các nhà máy này cung cấp sản phẩm cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng, trong đó có Levi’s, Zara và H&M.

Tuy nhiên, có nhiều công nhân trong tổng số 4 triệu người làm trong ngành, đặc biệt là phụ nữ, đang phải chịu mức lương hàng tháng chỉ khoảng 75,58 USD. Trong bối cảnh đó, các cuộc biểu tình đòi tăng lương của công nhân đã nổ ra từ tháng 10, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 70 nhà máy bị hư hại.

Tới ngày 7/11, một hội đồng do chính phủ chỉ định đã áp quy định tăng lương của ngành thêm 56,25% lên 113,82 USD nhưng không nhận được sự đồng ý của các công nhân. Thay vào đó, nhiều người yêu cầu mức lương tối thiểu 209 USD và tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình.

Ngày 9/11, 15.000 công nhân đã đụng độ với cảnh sát trên một đường cao tốc quan trọng và thực hiện các hành động phá hoại đối với nhà máy dệt may Tusuka, một nhà máy hàng đầu tại quốc gia này cũng như tại nhiều nhà máy khác. Sau vụ việc, hãng tin AFP trích dẫn thanh tra cảnh sát Mosharraf Hossain cho biết, lực lượng cảnh sát đã xử lý 11.000 người chưa rõ danh tính liên quan đến vụ tấn công nhà máy may mặc Tusuka.

Biểu tình cũng khiến 150 nhà máy tại các thị trấn công nghiệp trọng điểm Ashulia và Gazipur nằm ở phía bắc thủ đô Dhaka, buộc phải đóng cửa vô thời hạn. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất lo ngại sẽ có thêm các cuộc đình công khi tuần làm việc của Bangladesh bắt đầu vào 11/11.

Ashulia là nơi đặt những nhà máy lớn nhất của Bangladesh, với một số nhà máy thậm chí sử dụng tới 15.000 công nhân trong một cơ sở nhiều tầng.

Các cuộc biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu trong 2 tuần qua là cuộc biểu tình tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ và đang đặt ra thách thức lớn đối với Thủ tướng Sheikh Hasina, đặc biệt là khi cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 sắp diễn ra. Trước đó, nhà lãnh đạo Bangladesh đã bác bỏ bất kỳ biện pháp tăng lương nào nữa cho người lao động và cảnh báo các cuộc biểu tình bạo lực có thể khiến người lao động mất việc làm.

Ngày 9/11, bà Hashina cảnh báo nếu người lao động xuống đường phản đối theo “sự xúi giục của ai đó” thì họ sẽ “mất việc làm, mất công việc và phải trở về làng của mình”. Theo bà, những người lao động cần hiểu rằng “ nếu các nhà máy đóng cửa, sản xuất sẽ gián đoạn, xuất khẩu sẽ gián đoạn và công việc cũng sẽ mất”.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên không cản trở các công đoàn tiếp tục tổ chức biểu tình do mức tăng lương mà chính phủ đưa ra được đánh giá là “không phù hợp với chi phí thực phẩm, tiền thuê nhà, chăm sóc sức khỏe và học phí tăng vọt cho con cái”.

Trên phạm vi thế giới, mức tăng lương của chính phủ Bangladesh vấp phải sự phản đối của Chiến dịch Quần áo Sạch có trụ sở tại Hà Lan - một nhóm bảo vệ quyền lợi của công nhân dệt may - với cáo buộc “mức lương nghèo nàn”.

Mỹ - một trong những nước mua hàng may mặc do Bangladesh sản xuất nhiều nhất thế giới – cũng thể hiện động thái kêu gọi chính phủ nước này “giải quyết những áp lực kinh tế ngày càng tăng mà người lao động và gia đình họ phải đối mặt”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.