Cảnh sát xịt hơi cay giải tán đám đông tại Đại học Texas ngày 29/4/2024. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP, có ít nhất 40 người đã bị bắt giữ tại Đại học Texas ở Austin ngày 29/4 khi cảnh sát đụng độ người biểu tình ủng hộ Palestine. Trong trang phục chống bạo động, các sĩ quan cố gắng giải tán đám đông khoảng 100 người biểu tình đang la hét. Vào thời điểm một nhóm người biểu tình chặn đường xe chở những người bị bắt giữ và khiến đám đông xô đẩy lẫn nhau, cảnh sát buộc phải sử dụng tới bình xịt hơi cay và thiết bị gây choáng để giải tán đám đông.
Cuộc đụng độ này đánh dấu một sự leo thang mới trong khuôn viên trường đại học 50.000 sinh viên tại thủ phủ của bang Texas khi chỉ cách đây vài ngày, hàng trăm cảnh sát đã phải xông vào khuôn viên trường đại học và tiến hành bắt giữ hơn 50 người.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Đại học Columbia – tâm điểm của làn sóng - vẫn tiếp diễn khi các sinh viên tham gia biểu tình từ chối tuân theo hạn chót 2 giờ chiều ngày 29/4 và dỡ bỏ các lều trại trong khuôn viên trường. Thay vào đó, hàng trăm người biểu tình tuần hành quanh khuôn viên, vỗ tay và đọc các khẩu hiệu.
Trường đại học này không tiếp tục gọi cảnh sát để giải tán đám đông, tuy nhiên người phát ngôn Ben Chang cho biết Đại học Columbia đã bắt đầu đình chỉ sinh viên. Ông không công bố cụ thể có bao nhiêu sinh viên bị đình chỉ hay việc đình chỉ được thực hiện như thế nào. Thông báo gửi đến những người biểu tình trước đó chỉ cho biết nếu sinh viên rời đi trước thời hạn và ký vào mẫu cam kết tuân thủ các chính sách của trường đại học cho đến tháng 6/2025, những người này có thể kết thúc học kỳ suôn sẻ. Nếu không, sinh viên sẽ bị đình chỉ và chờ điều tra thêm.
Hãng tin AP dẫn lời ông cho biết trường đánh giá cao quyền tự do ngôn luận của sinh viên, nhưng việc cắm trại biểu tình là một “sự phân tâm ồn ào” gây cản trở việc giảng dạy và chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ. Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng khiến một số sinh viên Do Thái cảm thấy không thoải mái.
Các cuộc biểu tình còn buộc Đại học Columbia phải tổ chức các lớp học từ xa trong khi khiến trường vấp phải thái độ phản đối quyết liệt từ nhiều phía. Một vụ kiện tập thể thay mặt cho sinh viên Do Thái cáo buộc Đại học Columbia vi phạm hợp đồng khi không duy trì được một môi trường học tập an toàn bất chấp các chính sách và cam kết.
Trong khi đó, một nhóm pháp lý đại diện cho các sinh viên ủng hộ Palestine đang thúc giục văn phòng dân quyền của Bộ Giáo dục Mỹ điều tra việc Đại học Columbia không tuân thủ Đạo luật Dân quyền năm 1964 về cách người biểu tình bị đối xử.
Tại các trường đại học danh tiếng khác như Havard, Pennsylvania hay Yale, làn sóng biểu tình không thể hiện dấu hiệu hạ nhiệt. Tính tới ngày 28/4, những người biểu tình tại Đại học Yale đã dựng hàng chục lều trại bất chấp cảnh báo phải đối mặt với các hình thức kỷ luật của trường và bất chấp việc 50 sinh viên đã bị bắt giữ hồi tuần trước.
Trong một trường hợp hiếm hoi, Đại học Northwestern cho biết đã đạt được thỏa thuận với các sinh viên và giảng viên đại diện cho phần lớn người biểu tình trong khuôn viên trường gần Chicago. Cụ thể, trường đại học này sẽ cho phép các cuộc biểu tình ôn hòa cho đến hết ngày 1/6 trong khi yêu cầu dỡ bỏ tất cả các lều ngoại trừ một lều để viện trợ và hạn chế khu vực biểu tình.
Tại Đại học Brown ở Rhode Island, Hiệu trưởng trường Christina H. Paxton đã đề nghị những người lãnh đạo cuộc biểu tình có cơ hội gặp gỡ các quan chức để thảo luận về lập luận liên quan tới việc thoái vốn khỏi các công ty có liên kết với Israel để đổi lấy việc chấm dứt tình trạng đóng trại và biểu tình.