Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCF ghi nhận doanh thu 994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng. |
CTCP Vinacafe Biên Hòa (HoSE: VCF) ngày 20/7 công bố báo cáo tài chính quý 2/2023, ghi nhận doanh thu thuần gần 555 tỷ đồng, tăng 5,3% so với thực hiện của quý 2/2022. Tuy nhiên với việc giá vốn tăng gần 8%, lợi nhuận gộp của công ty giảm 3 tỷ đồng về còn 141,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 109% lên 19,4 tỷ đồng, chủ yếu tới từ lãi tiền gửi ngân hàng và đầu tư khác; trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 46% và 55% về còn 1,35 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, Vinacafe Biên Hòa báo lãi quý 2/2023 hơn 122 tỷ đồng, tăng 10,1% so với quý 2/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCF ghi nhận doanh thu 994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,4% và 42,3% so với cùng kỳ 2022. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng tăng từ 5.155 đồng/CP lên 7.339 đồng/CP.
Trong năm 2023, Vinacafe Biên Hòa đề ra 2 kịch bản kinh doanh, ở mức thấp doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.500 tỷ đồng và 380 tỷ đồng trong khi mức cao là 3.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VCF đạt 2.244 tỷ đồng, tăng 6,6% so với thời điểm đầu năm, bao gồm 449,5 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 295,9 tỷ đồng hàng tồn kho, 289 tỷ đồng tài sản cố định, 1.096 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của VCF đạt 386 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cuối năm 2022. Chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ của Vinacafe Biên Hòa là 381,5 tỷ đồng nợ ngắn hạn, bao gồm 181 tỷ đồng phải trả người hạn ngắn hạn, 80 tỷ đồng thuế phải nộp, 77,4 tỷ đồng vay ngắn hạn.
Vinacafé Biên Hòa có tiền thân là Nhà máy Cà phê Coronel sau đổi tên thành Nhà máy Cà phê Biên Hòa được thành lập năm 1969 và được cổ phần hóa năm 2004. Hoạt động chính của công ty là sản xuất chế biến các sản phẩm mang thương hiệu Vinacafé như: cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê sữa, ngũ cốc dinh dưỡng....
Ngày 28/01/2011, VCF chính thức giao dịch trên sàn HoSE. Cũng trong năm này, vào tháng 9/2011, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) đã chào mua công khai cổ phiếu VCF và trở thành công ty mẹ của VCF. Hiện VCF có 1 cổ đông lớn duy nhất là Công ty TNHH MTV Masan Beverage với tỷ lệ sở hữu 98,79%.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 20/7, thị giá của VCF giữ nguyên ở mức 198.900 đồng/CP, tương đương vốn hóa 5.286,5 tỷ đồng. Mức giá này cũng giúp cho VCF trở thành cổ phiếu có giá đắt đỏ nhất sàn HoSE ở thời điểm hiện tại.