Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP, Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber tại phiên họp ngày 13/12 đã phê chuẩn thỏa thuận cuối cùng trong khi nhấn mạnh đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia đạt được sự đồng thuận ngôn ngữ về nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể, thỏa thuận mới đưa ra này sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn so với dự thảo bị phản đối vài ngày trước đó. Tuy vẫn không đi xa tới mức loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch – điều mà hơn 100 quốc gia bao gồm các quốc đảo nhỏ và các quốc gia châu Âu đã kêu gọi – thỏa thuận này kêu gọi “dịch chuyển khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này”.
Thêm vào đó, thỏa thuận cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi sẽ được thực hiện theo cách đưa thế giới đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và tuân theo các yêu cầu của khoa học khí hậu. Trong khuôn khổ tài liệu này, thế giới được dự đoán sẽ đạt đến đỉnh phát thải carbon vào năm 2025 nhưng vẫn dành ra khoảng thời gian bổ sung cho các quốc gia như Trung Quốc đạt được mục tiêu sau đó.
Thỏa thuận cũng bao gồm lời kêu gọi tăng gấp 3 lần việc sử dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp 2 hiệu quả sử dụng năng lượng. Trước đó trong cuộc đàm phán, hội nghị đã thông qua một quỹ đặc biệt dành cho các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các quốc gia đã đầu tư gần 800 triệu USD vào quỹ này.
Nhận định về tài liệu cuối cùng này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Lần đầu tiên, kết quả này công nhận sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch phải kết thúc - và nó phải kết thúc bằng công lý và bình đẳng”.
Giám đốc Khí hậu Liên Hợp Quốc Simon Stiell cũng bày tỏ thái độ đồng tình khi cho biết những nỗ lực của các quốc gia là “cần thiết để báo hiệu một sự chấm dứt khó khăn đối với vấn đề khí hậu cốt lõi của nhân loại: nhiên liệu hóa thạch và tình trạng ô nhiễm đang khiến hành tinh nóng lên. Dù kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch ở Dubai chưa thể sang một trang mới nhưng kết quả này là sự khởi đầu cho sự kết thúc”.
Trong khi đó, ông John Kerry, đặc phái viên khí hậu của Mỹ, cho biết “tinh thần hợp tác đã gắn kết mọi người lại với nhau”. Ông nhận định tuy nhiều người mong muốn thỏa thuận sử dụng ngôn ngữ rõ ràng hơn về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đây là một “sự thỏa hiệp”.
Ngược lại, một số quốc gia và tổ chức bày tỏ sự phản đối với tài liệu này. Theo AP dẫn lời giám đốc công bằng năng lượng của Center for Biological Diversity Jean Su, “đây là lần đầu tiên sau 28 năm các quốc gia buộc phải giải quyết vấn đề nhiên liệu hóa thạch”. Vì vậy, đây được coi như một chiến thắng chung, nhưng các chi tiết thực tế trong thỏa thuận này “có sai sót nghiêm trọng”.
Theo bà, thỏa thuận này “vẫn bao gồm những lỗ hổng lớn cho phép Mỹ và các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch khác tiếp tục mở rộng việc sản xuất” cũng như “cho phép các quốc gia sử dụng nhiên liệu chuyển tiếp” - khí đốt tự nhiên phát thải carbon.
Về phía bà Anne Rasmussen, đại biểu chính của Samoa thay mặt cho các quốc đảo nhỏ, bà khẳng định: “Sự điều chỉnh cần thiết vẫn chưa được đảm bảo” khi thỏa thuận vẫn cho phép hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch như bình thường thay vì nỗ lực cắt giảm khí thải theo cấp số nhân.