Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho rằng CPTPP sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Vương quốc Anh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Chiều ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Vương quốc Anh 2023”. Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh, tính đến ngày 20/10/2023, Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam - Anh quốc
Riêng năm 2023, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2023, Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD.
Các dự án đầu tư của Anh tại Việt Nam khá đa dạng như trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp, xử lý môi trường đến tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, giáo dục, y tế…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 14 dự án đầu tư sang Vương quốc Anh với tổng vốn đầu tư khoảng 17,3 triệu USD.
Về thương mại, hiện Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu – châu Mỹ. Kể từ khi hai nước tuyên bố nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Anh tăng trưởng gấp 3 lần, đạt mức 6,84 tỷ USD năm 2022.
10 tháng đầu năm 2023, thương mại Việt Nam – Anh đạt 5,87 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, nhập khẩu từ Anh đạt 658 triệu USD). Kết quả thương mại trên cho thấy sự đáng khích lệ, đặc biệt trong bối cảnh thương mại của Việt Nam với hầu các thị trường trọng điểm tại châu Âu ghi nhận sự sụt giảm.
“Nhưng rõ ràng, những con số nói trên vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của nhà đầu tư hai nước”, theo ông Tạ Hoàng Linh.
CPTPP mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho doanh nghiệp hai nước
Từ 16/7/2023, Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đánh giá về việc tham gia của Anh trong CPTPP, ông Tạ Hoàng Linh cho rằng, điều này sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ hiệp định trong thời gian tới.
Theo Vụ trưởng, với việc Anh luôn đứng trong danh sách 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, cùng các cam kết của CPTPP, hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư hai nước sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, đây là cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Anh và ưu đãi cho nhóm hàng hóa của Anh tại Việt Nam nhờ xung lực kép giữa UKVFTA và EVFTA, tăng thêm dư địa trong lĩnh vực đầu tư tại địa bàn của hai nước.
“UKVFTA có hiệu lực từ năm 2021 và việc Anh ký kết thỏa thuận gia nhập CPTPP vào tháng 7/2023 là những động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh nhận định.
Ông David Johnstone phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Trong khi đó, theo ông David Johnstone - Trưởng bộ phận Chính sách thực thi FTAs – Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh, nếu CPTPP được Nghị viện Anh phê chuẩn, hiệp định sẽ là cửa ngõ để mở rộng không gian hợp tác kinh tế thương mại cho cả hai quốc gia.
Đối với Việt Nam, hàng hóa Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn đối với các mặt hàng như nông sản, lúa gạo, hải sản; có khả năng tiếp cận hạn ngạch thuế quan miễn thuế cho các loại gạo cụ thể….
CPTPP góp phần thúc đẩy để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp của Anh quốc. Điều khoản của hiệp định mang lại sự chắc chắn cho nhà đầu tư Anh quốc tại Việt Nam cũng như giúp Việt Nam tìm kiếm khoản đầu tư từ Anh.
Đối với Vương quốc Anh, CPTPP không chỉ tạo thuận lợi cho hàng hóa mà còn tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ cho các thành viên của CPTPP. Đồng thời, nếu hiệp định được phê chuẩn, sẽ tạo ra khoảng 400.000 việc làm tại Anh quốc.
99% hàng hóa hiện hành xuất khẩu sang thành viên CPTPP của Anh cũng sẽ được hưởng mức thuế bằng 0. Một số mặt hàng có nhiều ưu đãi hơn so với UKVFTA như thịt lợn, gia cầm, máy móc…
“CPTPP không thay thế UKVFTA, hiệp định này phù hợp hơn với các nhà xuất khẩu khi giúp các doanh nghiệp có các lựa chọn khác nhau đối với các hiệp định thương mại, từ đó cải thiện chuỗi cung ứng của mình”, theo ông David Johnstone.