Cuộc cách mạng công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại châu Á

Cuộc cách mạng công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại châu Á

Sức khỏe CHÂU Á
14:51 - 08/03/2022
Cùng với sự phát triển của công nghệ nói chung, ngành công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Femtech) cũng ngày càng phát triển và đáp ứng nhu cầu chăm sóc của phụ nữ ở mọi độ tuổi trong thời đại số.

Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng thiếu thốn sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ước tính ảnh hưởng đến 1/10 trẻ em gái và phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022 là ngày thứ 67 trong năm. Điều đặc biệt là con số 67 này cũng nhiều hơn 7 ngày so với số ngày trung bình mà một nữ sinh ở Lào không thể đi học mỗi năm, do không tiếp cận được các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phụ nữ.

Vấn đề này đặc biệt phổ biến ở các xã hội phụ hệ như Lào, nơi những chu kỳ sức khỏe bình thường như kinh nguyệt bị coi như một chủ đề cấm kỵ. Tại đây, bất cứ điều gì liên quan tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ chỉ được thảo luận lén lút và thông tin về nó chỉ được giới hạn trong những câu chuyện của những phụ nữ lớn tuổi hơn.

Cuộc khảo sát năm 2016 của Quỹ Lotus Educational, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ việc đi học của trẻ em gái ở vùng nông thôn Champhone của Nam Lào, cho thấy 70% phụ nữ và trẻ em gái ở các làng nghèo nhất tại đây không biết nguyên nhân cho kỳ kinh nguyệt của mình. Nhiều cô gái cũng bỏ học hoặc không đi học vào những ngày đó do không biết cách chăm sóc bản thân.

Bà Trine Angeline Sig, giám đốc điều hành của RealRelief, nhận định dù tác động tiềm tàng của việc thiếu thốn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phụ nữ lên giáo dục trẻ em gái là rất lớn, việc này chưa bao giờ nằm trong ưu tiên của chính phủ.

Bà chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia vào các cuộc họp cấp cao và gặp gỡ nhiều bộ trưởng. Khi nội dung câu chuyện là về cách chống bệnh sốt rét hoặc phát màn chống muỗi, mọi người sẽ lắng nghe kỹ và cảm thấy những phương pháp đó rất hữu dụng. Tuy nhiên một khi nội dung câu chuyện chuyển sang các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ, buổi họp đột nhiên kết thúc và không ai có thời gian rảnh nữa”.

Yan Li, giáo sư về chuyển đổi kỹ thuật số tại ESSEC Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ rằng, việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ bị các chính phủ mà còn bị cả ngành y tế gạt sang một bên. Bà bổ sung thêm sức khỏe phụ nữ được coi là không quan trọng dù phụ nữ chiếm một nửa dân số.

Nhiều cuộc thử nghiệm thuốc thậm chí còn không thử nghiệm trên đối tượng nữ, do đó nhiều phụ nữ hoàn toàn có khả năng bị quá liều. Trên thực tế, Tạp chí Dược lâm sàng Anh năm 2018 đã nêu rõ chỉ khoảng 22% đối tượng trong thử nghiệm thuốc giai đoạn 1 là nữ.

Sự xuất hiện của femtech

Trong bối cảnh thiếu thốn sự hiện diện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung, các doanh nghiệp châu Á đang chuyển sang sử dụng một nguồn lực mới để giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe chính đáng cho phụ nữ: femtech.

Xuất hiện tại Mỹ từ năm 2016, femtech là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ phần mềm, sản phẩm hoặc dịch vụ nào sử dụng công nghệ để cải thiện sức khỏe phụ nữ. Ban đầu, femtech chỉ xuất hiện dưới dạng các sản phẩm vệ sinh bền vững nhằm giải quyết tình trạng thiếu thốn sản phẩm vệ sinh.

Tuy nhiên khi ngành công nghệ nói chung phát triển, femtech cũng theo đó phát triển. Vào năm 2018, RealRelief đã giành được Giải thưởng Danish Design cho Safepad, một loại khăn vệ sinh có thể tái sử dụng. Loại khăn này được làm bằng vải kháng khuẩn giúp tiêu diệt mọi vi khuẩn trong vòng 30 giây, kể cả khi được giặt trong nước sông bẩn. Theo Giám đốc điều hành Sig của công ty, công nghệ kháng khuẩn rất cần thiết do nhiều trẻ em gái tại các khu vực nghèo nhất của châu Á không có điều kiện sử dụng nước sạch.

Safepad hiện được phân phối tại 10 quốc gia trên khắp Châu Phi và Châu Á, bao gồm cả Lào và Bangladesh. Thách thức mới nhất của RealRelief là đưa sản phẩm đến với các trẻ em gái ở Afghanistan, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Sự bùng nổ của femtech tại châu Á

Những năm gần đây, femtech đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư trên toàn thế giới. Theo thống kế của cơ quan thông tin phân tích FemTech Analytics, trên thế giới có tổng cộng 1.323 công ty chuyên về công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Có 41 trong số đó là ở Đông Nam Á với 1.292 nhà đầu tư.

Kate Batz, giám đốc FemTech Analytics, chia sẻ rằng số hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, được thúc đẩy một phần bởi Covid-19, đã tạo đà cho ngành công nghiệp femtech. Ngày càng có nhiều công nghệ nhắm tới cải thiện sức khỏe cho phụ nữ xuất hiện.

Tuy châu Á chỉ chiếm 14% trong tổng số các công ty femtech trên toàn thế giới, các công ty tại đây đều được thiết lập để tận dụng tối đa sự bùng nổ. FemTech Analytics dự đoán tới năm 2026, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng ứng dụng chăm sóc sức khỏe phụ nữ nhanh nhất thế giới.

Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi sự cởi mở hơn về chủ đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ, sự thay đổi trong nhận thức về các vấn đề này cùng với khả năng tiếp cận nguồn vốn được nâng cao của các nhà sáng lập nữ giới.

Một ví dụ có thể kể tới là ứng dụng Oky của UNICEF được ra mắt vào năm 2019. Với ứng dụng này, các bé gái từ 10 tuổi tới lớn hơn ở tầm 19 tuổi sẽ được dạy về các kiến thức cần thiết cho việc chăm sóc bản thân trong kỳ kinh nguyệt, đồng thời liệt kê các nguồn lực hỗ trợ tại địa phương. Oky hiện đã có mặt trên toàn cầu và còn bao gồm cả chức năng đọc cho người dùng có trình độ văn hóa thấp hoặc khiếm thị. Hiện UNICEF cũng có kế hoạch sẽ bản địa hóa ứng dụng này tới các thị trường khác nhau.

Tuy nhiên Gerda Binder, người dẫn đầu nhóm Oky tại văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết cần ứng dụng này vẫn cần sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp lớn để có thể được mở rộng thành công.

Tác động của COVID với sức khỏe phụ nữ

Việc châu Á cần nhiều đổi mới trong lĩnh vực femtech hơn đã được làm nổi bật bởi đại dịch COVID-19. Bà Sarah Knibbs từ Liên Hợp Quốc cho biết, dịch bệnh đã gây ra nhiều tác động không đồng đều tới phụ nữ.

Trước khi đại dịch xảy ra, xét về trung bình phụ nữ đã làm công việc chăm sóc không lương nhiều gấp 3 lần nam giới. Trong thời gian đại dịch, gánh nặng công việc chăm sóc thậm chí còn gia tăng nhiều hơn do các dịch vụ giữ trẻ, chăm sóc người già và trường học đều bị đóng cửa.

Chính những căng thẳng này đã ảnh hưởng tới khả năng giải quyết những lo lắng về sức khỏe. Nếu phụ nữ bị ràng buộc bởi việc chăm sóc nhà cửa và những định kiến xã hội, họ sẽ không thể ra khỏi nhà và không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, kể cả những vaccine cần thiết.

MyAva, một công ty startup femtech của Ấn Độ, đặt mục tiêu giúp phụ nữ được chăm sóc sức khỏe trong điều kiện đại dịch thông qua công nghệ. Ứng dụng MyAva được thiết kế nhằm theo dõi và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một hội chứng ước tính đang ảnh hưởng 1/10 dân số là phụ nữ từ 15 tuổi tới 44 tuổi. Nhưng theo một khảo sát bởi OZiva, hội chứng này ảnh hưởng tới 1/5 phụ nữ tại Ấn Độ, cao hơn mức trung bình của thế giới. Do đó, ứng dụng này sẽ giải quyết tình trạng bằng cách cho phép phụ nữ tiếp cận các bác sĩ chuyên ngành, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thể dục.

Ứng dụng hiện có khoảng 50 bác sĩ, 25 chuyên gia dinh dưỡng và 12 huấn luyện viên thể dục với tư cách là chuyên gia tư vấn. Các gói đăng ký có thời hạn từ 3 đến 12 tháng với mức giá dao động từ 33 USD đến 239 USD.

Theo bà Knibbs, các phương pháp tiếp cận công nghệ như MyAva có tiềm năng to lớn trong việc nâng cao sức khỏe của phụ nữ. Femtech sẽ giúp tạo ra một môi trường nơi phụ nữ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về một vấn đề họ không muốn bàn luận hoặc cho cả những phụ nữ không thể ra khỏi nhà.

Vai trò của femtech trong kế hoạch hóa gia đình

Trong suốt thời gian đại dịch, nhu cầu femtech liên quan đến việc làm mẹ và sức khỏe sinh sản tăng vọt và chiếm tới 38% thị phần thị trường femtech.

Tuy nhiên khi đại dịch xảy ra và số ca nhiễm tăng nhanh, các bệnh viện buộc phải chuyển hướng nguồn lực và khu vực chăm sóc phụ nữ cùng kế hoạch hóa gia đình sẽ là những dịch vụ đầu tiên bị cắt giảm. Báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy cứ 3 phụ nữ ở Pakistan thì có 1 phụ nữ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh hoặc sau khi sinh cần thiết trong thời gian đại dịch.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phụ nữ thuộc Đại học Philippines, các trung tâm y tế công cộng tại quốc gia này đã tạm dừng các chương trình sức khỏe sinh sản để tập trung vào Covid. Jessica de Mesa, một y tá, đã nhìn thấy lợi thế đi trước trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và biện pháp tránh thai an toàn cho phụ nữ Philippines. Hơn nữa, Philippines cũng đã có các công ty công nghệ y tế và phòng khám chuyên khoa dành cho phụ nữ. Vì vậy de Mesa và người đồng sáng lập Abetina Valenzuela đã bắt đầu Kindred – một startup femtech kết hợp cả 2 yếu tố trên.

Trong 5 tháng đầu tiên, Kindred cùng với 12 nhân viên và 21 bác sĩ đã phục vụ khoảng 900 bệnh nhân. Anna – mảng kinh doanh chuyên cung cấp các liệu pháp tránh thai của startup này, bán 6 loại thuốc khác nhau cho phụ nữ. Gói đăng ký theo tháng sẽ có giá dao động từ 9,75 USD đến 19,50 USD.

Instagram là kênh bán hàng chính của Anna. Theo Mesa, các khách hàng của Kindred chủ yếu là những phụ nữ có thu nhập trung bình tại thành thị và họ thích tương tác với Anna qua chức năng nhắn tin trực tiếp của nền tảng này.

Trong năm nay, startup Kindred có dự định mở phòng khám đầu tiên và tiếp tục quá trình gây quỹ để mở rộng. Trên thực tế, công ty đã nhận được những khoản đầu tư ban đầu từ Pulse 63 – 1 quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mesa tự tin chia sẻ: “Thành công của Kindred sẽ tạo tiền đề cho các công ty startup femtech khác”.

Chăm sóc thời kỳ mãn kinh cũng đóng vai trò quan trọng

Khi châu Á bắt đầu phục hồi trở lại từ đại dịch, một ngành mới đã nổi lên từ lĩnh vực femtech: chăm sóc mãn kinh.

Khi tuổi thọ kéo dài hơn, Menopause Society tại Bắc Mỹ ước tính sẽ có 1,1 tỷ phụ nữ, tức 12% dân số thế giới, sẽ trải qua kỳ mãn kinh vào năm 2025. Con số này ngày càng trở nên rõ ràng tại châu Á, nơi có những quốc gia có tỉ lệ dân số già hóa nhanh nhất thế giới như Nhật Bản. Tại quốc gia này, hiện số người trên 65 tuổi chiếm tới hơn 29% dân số.

Tuy nhiên theo Susan Davis, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ tại Đại học Monash, Úc, những nghiên cứu về tác động của thời kỳ mãn kinh đối với sức khỏe phụ nữ diễn ra chậm chạp và thiếu hỗ trợ về kinh phí.

Thời kỳ này không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới xương và chuyển hóa tim mạch. Khi lượng estrogen giảm, khối lượng xương giảm, và dẫn tới tình trạng loãng xương. Thêm vào đó, cũng có nghiên cứu cho thấy thời kỳ mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và ung thư đối với phụ nữ.

Tác động của thời kỳ mãn kinh còn mở rộng ra bên ngoài gia đình. Nghiên cứu cho thấy rằng các triệu chứng mãn kinh không được điều trị gây ra tác động tiêu cực đến hiệu suất làm việc của phụ nữ. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 1 tại Nhật Bản cho thấy 66,3% phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tại nước này cảm thấy năng suất làm việc giảm ít nhất 30%.

Do đó, những nữ doanh nhân Nhật Bản mệt mỏi vì phải chờ đợi những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc tiền mãn kinh đã chuyển sự quan tâm của mình sang femtech. Akiyo Takamoto, nhà sáng lập công ty startup femtech Yorisol, là một trong những người đã quyết định tự giải quyết vấn đề này.

Ra mắt vào tháng 4/ 2020, Yorisol tích hợp công nghệ AI nhằm giúp tăng cường giao tiếp giữa phụ nữ mãn kinh và chồng của mình. Bằng cách thêm Yorisol làm liên hệ trên ứng dụng nhắn tin Line, người dùng nữ có thể ghi lại các triệu chứng và cảm xúc hàng ngày của mình với các câu hỏi được gợi ý từ bot AI. Sau đó, bot sẽ chuyển tiếp những phản hồi này đến bạn đời của người dùng kèm theo các đề xuất về phương pháp có thể dùng để làm giảm các triệu chứng nói trên.

Mặt khác tại Singapore, startup công nghệ chuyên EloCare được thành lập với mục tiêu hợp lý hóa khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị hiệu quả nhằm giảm tác động của thời kỳ mãn kinh lên năng suất làm việc của phụ nữ.

Mabel Yen Ngoc Nguyen, giám đốc điều hành của startup này đã đồng sáng lập EloCare với Fandi Peng vào năm 2020 sau khi nhận thấy khoảng trống trong thị trường femtech của Singapore. Với bằng tiến sĩ về kỹ thuật y sinh, cô đã cùng nhóm của mình phát triển một thiết bị đeo có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và các biến số khác của phụ nữ để cung cấp những phương pháp điều trị được cá nhân hóa cho phụ nữ mãn kinh.

Thông qua EloCare, Mabel hy vọng mình giúp được phụ nữ hiểu rõ hơn về các triệu chứng của chính mình và cung cấp dữ liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu và bác sĩ trong lĩnh vực mãn kinh – những dữ liệu không có sẵn khi EloCare mới thành lập. Theo Mabel, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của phụ nữ châu Á đang ngày càng phát triển với ngày càng nhiều phụ nữ tìm kiếm các giải pháp chữa trị các triệu chứng mãn kinh của mình. Với việc các nhà đầu tư ngày càng quan tâm tới lĩnh vực này hơn, ngành femtech có một tương lai tươi sáng.

Đọc tiếp