Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi |
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho rằng hiện nay, việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, nội dung vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có dấu hiệu trái với pháp luật quy định. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quy định cụ thể chế tài xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được thực hiện như thế nào?
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nêu thực tiễn chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn chưa đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Nhiều vấn đề liên quan đến đăng kiểm, sách giáo khoa, phòng cháy chữa cháy… trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến tính hợp lý, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Theo Nghị định 154 của Chính phủ năm 2020, Chính phủ đã giao cơ quan kiểm tra văn bản mà Bộ Tư pháp là đầu mối có thể kiến nghị về tính khả thi, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật khi hậu kiểm. Đây là vấn đề mới, khó, quyết định chất lượng việc hậu kiểm. “Bộ trưởng đã và sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ này?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) nêu tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, về nguồn lực trong xây dựng pháp luật, hiện cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế.
Nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế.
Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên”, từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên đến nay mới có 8/28 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, còn lại là do thứ trưởng phụ trách. Vì vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị thời gian tới, các bộ trưởng cần trực tiếp tham gia chỉ đạo để đảm bảo giải quyết nhanh công việc.
Phiên chất vấn kết nối trực tuyến với các đoàn đại biểu. Ảnh: Quochoi |
Về kinh phí, năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42 quy định cụ thể về mức chi cho quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư… Tuy nhiên theo Bộ trưởng Lê Thành Long, mức chi rất thấp; nhưng để có mức chi cải thiện theo Thông tư 42 đã là cả một quá trình. Quan điểm của ông Long là cố gắng thu xếp trong khuôn khổ Nhà nước hỗ trợ.
Về kiểm tra văn bản, Bộ trưởng Tư pháp nói, thẩm quyền kiểm tra văn bản đã tương đối rõ, trong đó Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chủ quản là những chủ thể được quyền trình luật; đồng thời có thẩm quyền tự kiểm tra và rà soát. Bộ Tư pháp có thẩm quyền kiểm tra tất cả các văn bản nhưng không tự động mà chỉ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, nếu thực hiện tiền kiểm thì tốt nhưng khả năng tiền kiểm thông tư hiện vẫn chưa làm được, mà cần tập trung vào văn bản pháp lý cao hơn, còn lại vẫn dựa vào lực lượng pháp chế.
Về việc nợ, chậm ban hành văn bản, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận đây là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng. Có những nghị định nợ lâu, chưa xử lý được như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành nghị quyết thay thế…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về lâu dài, Bộ trưởng nêu ý kiến trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn. "Như các vấn đề tài chính ngân sách, phân bổ kinh phí, lẽ ra phải là luật. Bộ Tài chính năm nào cũng phải ban hành hàng loạt văn bản, thông tư thì quá kỳ công và nhiều khi hạn chế tính kịp thời", ông Long nói.