Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 4/1, mặc dù đánh giá cao các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) trị giá 347 nghìn tỷ đồng mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên sáng, các đại biểu Quốc hội vẫn đưa ra nhiều vấn đề quan ngại.
Lo lắng từ khâu tổ chức thực hiện...
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn tỉnh Thái Bình) nêu ý kiến rằng cần thiết làm rõ nhiều vấn đề xoay quanh Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội để đại biểu dễ dàng đưa ra quyết định có thông qua dự thảo Nghị quyết này hay không.
Đầu tiên là vấn đề quy mô của Chương trình phục hồi. “Quan điểm của chúng ta là gói hỗ trợ phải đủ lớn, phải đúng và trúng đối tượng. Vậy gói hỗ trợ Chính phủ đang trình đã đủ lớn chưa? Đây là một điều cần cân nhắc. Phải so sánh với quốc tế và đặt trong hoàn cảnh của Việt Nam… Theo tính toán, Chương trình phục hồi của Chính phủ đang có quy mô ở mức 4,24% GDP”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần làm rõ giá trị danh nghĩa và giá trị thực chi của Chương trình phục hồi. “Nhiều khi chúng ta cứ thích con số to, xã hội bị tác động rất lớn của các con số như 600.000, 500.000 tỷ… Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ, chúng ta tạm hoãn, tạm giãn tiến độ một số khoản phải nộp lên tới 135.000 tỷ. Nhưng Nhà nước có phải bỏ ra không?”
Bên cạnh đó là việc khi thẩm tra Chương trình phục hồi, con số tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ giữa Chính phủ và cơ quan thẩm tra như gói giảm phí và lệ phí có sự khác nhau.
Chính phủ cần tính toán thật sát, thật chi li về gói hỗ trợ thì Quốc hội mới dễ đưa ra quyết định... Nếu không có thông tin rõ ràng, đại biểu không thể tự tin để quyết định xem có gói tài khóa 291 nghìn tỷ đồng hay không.
Về cấu phần của Chương trình phục hồi, cũng cần làm rõ đâu là gói hỗ trợ tiền tệ, đâu là gói tài khóa. Chẳng hạn gói 46.000 tỷ chi mua vaccine mà Chính phủ chi được xếp vào nhóm giải pháp tiền tệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của giới chuyên gia, những khoản nào Chính phủ bỏ tiền ra thì là tài khóa.
Về vấn đề nguồn huy động, ông Phan Đức Hiếu cho rằng đây là bài toán không đơn giản và cũng cần có kế hoạch chi tiết. Chẳng hạn, có nhiều ý kiến quan ngại tính khá thi của nguồn ODA. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguồn huy động vốn cho chương trình phục hồi, vì nếu không huy động kịp nguồn lực sẽ ảnh hưởng tới lớn khả năng hấp thụ của Chương trình.
... đến rủi ro, hệ lụy theo sau
Trong khi ĐBQH Phan Đức Hiếu băn khoăn về các vấn đề trong khâu tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi thì đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) lại lo lắng đến các rủi ro sau khi Chương trình được thực hiện.
Đầu tiên là quan ngại các rủi ro vĩ mô, bao gồm nợ công, nợ Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và lạm phát. Về rủi ro lạm phát, đại biểu đoàn Bắc Giang cảnh báo ở nhiều quốc gia như Mỹ, khi vừa công bố gói hỗ trợ thì lạm phát lập tức tăng. Do đó, trong vấn đề tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi sắp tới, cần đặc biệt lưu ý đến kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.
Theo sau rủi ro vĩ mô là nguy cơ nợ xấu. Trước đó, vào tháng 10/2021, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rằng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức từ 7,1-7,7%, xấp xỉ 8% khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 để hỗ trợ nền kinh tế.
“Trong thời quan qua, khi các ngân hàng thương mại tiến hành cơ cấu lại nợ thì đã có những khoản mang tính chất nợ xấu rồi. Nếu chúng ta không thận trọng và tìm cách để gỡ thì nợ xấu lại trở lại như cách đây 5 năm”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Một rủi ro hiện hữu cũng khiến vị đại biểu băn khoăn là vấn đề đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản. “Chúng ta chưa tung ra gói này nhưng thị trường chứng khoán đã sốt, thị trường bất động sản ở các nơi cũng sốt, giá bất động sản bị đẩy lên rất nhiều lần. Giá bất động sản tăng lên không chỉ gây ra rủi ro vỡ bong bóng, mà còn làm tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khi các nhà sản xuất cần mặt bằng thì lại phải đi thuê với chi phí rất đắt đỏ, ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn đầu tư”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Không riêng đại biểu Trần Văn Lâm, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nếu không giải quyết tốt vấn đề đầu cơ và rủi ro dòng tiền rẻ đổ vào thị trường tài sản, gói hỗ trợ sắp tới sẽ lại kích bong bóng tài chính, bất động sản…, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
"Chúng ta chưa tung ra gói này nhưng thị trường chứng khoán đã sốt, thị trường bất động sản ở các nơi cũng sốt, giá bất động sản bị đẩy lên rất nhiều lần".
Rủi ro lãng phí, thất thoát cũng được nhắc đến xung quanh gói đầu tư công. Đại biểu lo ngại thất thoát lãng phí trong tất cả các khâu liên quan nếu không làm tốt công tác giải ngân: "Gánh nặng thất thoát lãng phí sẽ đổ lên vai nền kinh tế và chịu hậu quả chính là tăng trưởng GDP”.
Lo lắng sau cùng là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bị bỏ rơi khi dư địa cho đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, thu hút các nguồn lực tư nhân vào đầu tư ở các lĩnh vực công, phát triển cơ sở hạ tầng bị thu hẹp lại.
“Mặc dù chính phủ đã có chủ trương nhượng quyền khai thác thu phí nhưng cái này mới chỉ là chủ trương, còn huy động được bao nhiêu nguồn lực thông qua phương thức này thì cũng là yếu tố chưa chắc chắn. Cũng cần quan tâm chứ không thể bỏ rơi PPP trong bối cảnh PPP càng ngày càng khó khăn như hiện nay”, đại biểu Trần Văn Lâm nói thêm.
Từ đó, đại biểu đề xuất Chính phủ trong quá trình thực hiện Chương trình phục hồi phải tuân thủ nguyên tắc linh hoạt bố trí nguồn lực, đồng thời tính đến các cân bằng vĩ mô của nền kinh tế, giảm vay nợ, có biện pháp tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát, nâng cao hiệu quả công trình, tránh thất thoát, lãng phí, đặc biệt quan tâm đến vấn đề nợ xấu, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản….