Đối thoại xã hội 3 bên giúp tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Ảnh: VNPT |
Báo cáo Tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cuối tháng 4/2022 cho thấy, sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp an toàn và đảm bảo sức khỏe nghề nghiệp trong cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như các cuộc khủng hoảng sau này.
Khảo sát của ILO chỉ ra mỗi năm thế giới có 2,9 triệu ca tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; 360 triệu người bị thương tật nghề nghiệp trên toàn cầu vào năm 2016; GDP toàn cầu giảm 5,4% hàng năm do tai nạn lao động.
Những con số trên đã gây ra nhiều thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời gây ra tổn thất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung (chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bồi thường, tổn thất sản xuất, giảm năng lực làm việc, giảm sự tham gia vào lực lượng lao động, chi phí tuyển nhân viên mới…)
Trong khi đó, bài học rút ra từ những kết quả đạt được trong việc xử lý tình hình đại dịch phức tạp có thể giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, cho thấy vai trò của đối thoại xã hội trong việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp ứng phó trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Đối thoại 3 bên là chìa khóa
Để có được môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, ILO đưa ra khuyến nghị về quy trình đối thoại xã hội 3 bên gồm: Người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ, nhằm đảm bảo các biện pháp đưa ra được người sử dụng lao và người lao động đồng tình và ủng hộ, tăng khả năng triển khai hiệu quả hơn.
ILO cho biết mô hình này đã được áp dụng thành công ở Áo, Phần Lan, Singapo, Nam Phi, Canada... Trên thực tế, những nơi làm việc có tỷ lệ tham gia của người lao động cao thì tỷ lệ tai nạn giảm 64% và tỷ lệ phải nhập viện giảm 58%.
Từ đó, ILO khuyến nghị các Chính phủ cần cam kết xây dựng và duy trì văn hóa an toàn phòng ngừa và sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động được coi là một ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc gia.
Thông qua đối thoại xã hội, các đối tác 3 bên tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình ra quyết định về an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, Chính phủ sẽ đảm bảo phân bổ đủ phương tiện và nguồn lực để nâng cao nhận thức chung về an toàn vệ sinh lao động kiến thức về các mối hiểm họa và rủi ro cũng như hiểu biết về cách phòng ngừa, kiểm soát.
Cũng theo báo cáo của ILO, đại dịch COVID-19 có mối tương quan với sự gia tăng các thỏa thuận ba bên nhằm giảm thiểu nguy cơ tại nơi làm việc.
Cụ thể, số liệu khảo sát cho thấy, 83% tổ chức công đoàn đã sử dụng đối thoại xã hội bằng hình thức tham vấn 3 bên như một cách để ứng phó với đại dịch; 59% trong số 133 quốc gia được khảo sát đã sử dụng đối thoại 3 bên để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, với một trong những lĩnh vực ưu tiên thương lượng là các biện pháp an toàn vệ sinh lao động.
Trong tọa đàm Chương trình Đối thoại Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam tổ chức hôm 28/4 vừa qua, Giám đốc ILO Việt Nam, bà Ingrid Christensen đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đối thoại xã hội 3 bên trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo bà Ingrid Christensen, tại cấp quốc gia, các Chính phủ cần ưu tiên sự tham gia tích cực của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động vào việc quản lý an toàn vệ sinh lao động, để cùng nhau xây dựng và thực hiện các luật, chính sách và can thiệp khẩn cấp.
Tại nơi làm việc, sự tham gia của người lao động là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy việc tuân thủ, thiết kế và áp dụng các biện pháp phù hợp và hiệu quả để loại bỏ các hiểm họa hoặc giảm thiểu những rủi ro, phù hợp với nơi làm việc và nhu cầu của người lao động.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam, phát biểu tại Chương trình Đối thoại Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động, ngày 28/4. Ảnh: ILO. “Tầm quan trọng của đối thoại xã hội 3 bên trong việc giải quyết vấn đề về an toàn và sức khỏe đã được ghi nhận vào thời kỳ đại dịch COVID-19. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này về tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc tăng cường an toàn lao động ở cấp quốc gia và nơi làm việc cần được áp dụng trong những lĩnh vực khác để giảm số ca bệnh tật và tử vong liên quan tới nghề nghiệp hàng năm đang ở mức quá cao”.