Đạm Phú Mỹ sẽ chi gần 2.800 tỷ đồng để trả cổ tức cho năm 2022

DPM Việt nAM
21:21 - 29/12/2022
Chủ tịch HĐQT DPM Hoàng Trọng Dũng phát biểu tại buổi họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ảnh: DPM
Chủ tịch HĐQT DPM Hoàng Trọng Dũng phát biểu tại buổi họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ảnh: DPM
0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (HoSE: DPM) mới tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, trong đó thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022.

ĐHĐCĐ lần này có sự tham gia của 96 cổ đông, sở hữu hơn 297 triệu cổ phần, tương ứng đạt 75,93% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Tại buổi họp, cổ đông Dragon Capital đã đề nghị Tổng công ty xem xét, cân đối kết quả lợi nhuận đạt được năm 2022 với nhu cầu đầu tư trong thời gian tới để có chính sách tăng thêm tỷ lệ chi cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên năm 2022 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua đã thông qua mức chi cổ tức năm 2022 là 50% vốn điều lệ (tương ứng 5.000 đồng/cp), là mức cao nhất từ trước tới nay của cổ phiếu DPM, và cũng được đánh giá là mức rất cao trên thị trường chứng khoán nói chung.

Tuy nhiên, năm 2022 Đạm Phú Mỹ đã đạt các chỉ tiêu tài chính kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, như doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng (tương đương 160% vốn điều lệ, gần gấp đôi so với năm 2021).

Trước tình hình trên, ĐHĐCĐ đã thông qua mức chi cổ tức 7.000 đồng/cp bằng tiền mặt cho năm 2022 (tương ứng tỷ lệ 70% vốn điều lệ). Tổng số tiền chi cổ tức là gần 2.800 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được ban điều hành DPM dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.

Các cổ đông của DPM cũng nhất trí thông qua đề xuất sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tính toán và phê duyệt quyết toán cước phí vận chuyển khí cho Hợp đồng mua bán khí giai đoạn 2014 – 2018 giữa Tổng công ty và Tổng công ty Khí Việt Nam.

Theo Chủ tịch HĐQT Hoàng Trọng Dũng, sản lượng khí tự nhiên cấp cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ theo nguyên tắc tối đa lượng khí Bạch Hổ - Rồng Đồi Mồi về bờ theo từng năm, phần còn thiếu sẽ được cấp bù từ nguồn khí khác từ Bể Cửu Long. Cước phí vận chuyển áp dụng theo nguyên tắc nguồn nào giá đó và áp dụng theo phê duyệt của Cơ quan có thẩm quyền tại công văn số 57/TTg-KTN ngày 8/1/2016, số 456/TTg-CN ngày 30/3/2017 và số 781/TTg-CN ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Giá trị quyết toán chi phí vận chuyển khí cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ giai đoạn 1/4/2014 đến 31/12/2018 là 18,09 triệu USD (chưa bao gồm thuế GTGT).

Trên sàn chứng khoán, sau đà giảm vào giữa tháng 11, cổ phiếu DPM bắt đầu phục hồi. Chốt phiên 29/12, giá cổ phiếu DPM ở mức 43.000 đồng/cp, tăng 24% so với đáy ngắn hạn phiên 15/11 và giảm 36% so với đỉnh lịch sử 68.070 đồng/cp.

Theo báo cáo tài chính riêng, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của DPM ở mức 16.193 tỷ đồng, tăng 20% so với ngày đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng 10%, ở mức 3.285 tỷ đồng.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, DPM) có tiền thân là công đoàn công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí được thành lập vào năm 2004. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất. Năm 2007, Đạm Phú Mỹ chính thức niêm yết lên sàn HoSE, năm 2011 chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Đọc tiếp

MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.