Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam dịch chuyển sang các nước phát triển

ĐẦU TƯ Việt nAM
22:58 - 26/03/2024
Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài”. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài”. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Cục trưởng Vũ Văn Chung, bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang dần dịch chuyển sang các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Tại Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 26/3, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2023, Việt Nam có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD đầu tư sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, lĩnh vực thông tin và truyền thông có 207 dự án đầu tư ra nước ngoài được ghi nhận đến cuối năm 2023, với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông Chung, bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang dần dịch chuyển sang các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.

"Trong tiến trình phát triển, vươn ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh, chinh phục, tìm kiếm doanh thu là chiến lược phát triển mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt hướng ngoại, khi mà dòng vốn đầu tư ra nước ngoài liên tục tăng trưởng," ông Chung nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trước đây đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các dự án có quy mô vốn lớn. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đặt chân đầu tư và thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đơn cử như Tập đoàn Viettel, FPT, Vinamilk, NutiFood…

Đặc biệt, viễn thông và công nghệ số là một trong những lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đem lại thành công vang dội. "Không thể không nhắc đến cái tên Viettel và FPT vươn ra biển lớn, đưa trí tuệ Việt Nam quảng bá ra thế giới, mang sản phẩm dịch vụ Make in Vietnam ra nước ngoài và thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia," ông Tuyên nói.

Đánh giá về tình hình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo, cũng như khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu. Cùng với đó là có mạng lưới quan hệ rộng lớn giữa Việt Nam và các nước cùng sự quan tâm của Chính phủ, đồng hành của các bộ, ngành.

Tuy nhiên, hiện nay, thị phần của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài còn thấp. Trong khi tiềm năng của thị trường công nghệ thông tin toàn cầu là rất lớn để các doanh nghiệp khai thác phát triển. Ấn Độ có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực (30 triệu chuyên gia công nghệ số vào năm 2026). Thị trường đứng đầu ở châu Á về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài là Nhật Bản cũng đang rất thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt tham gia vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp trong nước và đang hoạt động ở nước ngoài để cùng mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp công nghệ số cần nghiên cứu khả năng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, mở văn phòng đại diện đầu tư. Cùng với đó, chú trọng đến tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chữ tín, bảo mật thông tin. Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp nên có nhân sự am hiểu địa bàn, ngôn ngữ bản địa tại các quốc gia để học hỏi kinh nghiệm của những doanh nghiệp lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.