Ông Nguyễn Đoàn Thăng phát biểu tại họp báo. |
Tại cuộc họp báo với chủ đề "Báo cáo kế hoạch chuyển đổi số 2022-2023" của Rạng Đông sáng 21/4, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc công ty cho biết, trong giai đoạn 2020-2021, tuy mới bước đầu thực hiện nhưng chuyển đổi số đã đóng góp phần quan trọng giúp Rạng Đông vượt qua thách thức của Covid-19 và việc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Năm 2020, doanh thu của Rạng Đông tăng trưởng 15,6%; năm 2021 tăng trưởng 16%, lợi nhuận thực hiện tăng trên 18%, vốn chủ sở hữu tăng trên 28% so cùng kỳ. Quý 1/2022, tình hình Covid-19 ở khu vực phía Bắc diễn biến phức tạp, song doanh thu vẫn tăng trưởng 16,3%, lợi nhuận thực hiện tăng 16,6%, nộp ngân sách tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 1/2022, doanh thu thuần của Rạng Đông đạt 1.782 tỷ đồng, lãi gộp đạt gần 520 tỷ đồng. Chi phí bán hàng vẫn là khoản mục chi phí lớn nhất với gần 323 tỷ đồng (tăng thêm 21% so với cùng kỳ) nhưng bù lại chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 45% xuống còn gần 21 tỷ đồng. Kết quả RAL lãi sau thuế 128,5 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 10.644 đồng.
Theo giải trình từ phía Rạng Đông, lợi nhuận của công ty vẫn tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn là do sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, làm mới mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển mô hình kinh doanh mới trên các nền tảng số, thực hiện mô hình kinh doanh lai. Bên cạnh đó, công ty tái cấu trúc thành công chiến lược sản phẩm, từ cung cấp sản phẩm chiếu sáng thông thường sang sản phẩm tích hợp các thành tựu mới.
Doanh thu và lợi nhuận của Rạng Đông đều tăng trưởng hai con số trong năm 2021. |
Ông Thăng cho biết, theo xu hướng đổi mới sáng tạo ngày càng phổ biến trên thế giới, từ nhiều năm nay ở Rạng Đông đã hình thành Hệ sinh thái tri thức - Sáng tạo mở. Tổ chuyên gia Tư vấn chuyển đổi số, 3 Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển của Công ty (Lighting R&D Center, Digital R&D Center và Modern Business Model R&D Center) tiếp nhận và chuyển giao các nguồn tri thức từ Liên minh Chiếu sáng rắn quốc tế (ISA) mà Rạng Đông là thành viên và từ các đối tác chiến lược nước ngoài.
Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Rạng Đông cũng là đầu mối trong hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, các Viện Nghiên cứu, các trường đại học... Ngoài ra công ty còn là cổ đông lớn nhất của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BK Fund nhằm đón nhận các Start up do Quỹ tài trợ.
Rạng Đông còn dành 15% lợi nhuận sau thuế hàng năm dành cho R&D và 7% dành cho Quỹ Đầu tư mạo hiểm, các Trung tâm R&D, 8 Trung tâm Sáng tạo sản phẩm mới và 9 Trung tâm Sáng tạo nội dung cho truyền thông số. Năm 2021, phong trào "Thi đua Lao động Sáng tạo - Làm thỏa lòng Bác mong" đề xuất được 1.613 ý tưởng, sáng kiến, đổi mới sáng tạo, trong đó có 1.099 ý tưởng mới được áp dụng.
Theo ông Thăng, kế hoạch chuyển đổi số 2022 - 2023 là giai đoạn bản lề quyết định thành công Chiến lược Chuyển đổi số của Rạng Đông giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất để không rơi vào 70% tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp trên thế giới (theo Tony Saldanha) và 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công (theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI).