Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày trước Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chiều 28/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một trong những chi tiết được đề cập trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm.
Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi, Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi, Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi, Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ). Cấp Tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.
Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan dự bị (gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ) cũng được đề xuất tăng lên. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy sĩ quan dự bị tăng từ 51 lên 53 tuổi, Thiếu tá từ 53 lên 55 tuổi, Trung tá từ 56 lên 57 tuổi, Thượng tá từ 57 lên 59 tuổi, Đại tá từ 60 lên 61 tuổi. Cấp Tướng giữ nguyên mức 63 tuổi.
Đối với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã hạn tuổi phục vụ cao nhất thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tờ trình nêu rõ, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan theo luật hiện hành là cơ bản phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự. Tuy nhiên chưa tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận cán bộ khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Vì vậy, nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội.
Mặt khác, việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc tăng tuổi nghỉ hưu giúp bảo đảm cho sĩ quan quân đội tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp.
Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù (lực lượng vũ trang). Có ý kiến đề nghị quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất phù hợp với yếu tố đặc thù nghề nghiệp, vị trí, môi trường địa bàn công tác, tính chất từng nhóm nhiệm vụ, nhóm công việc trong quân đội để bảo đảm điều kiện sức khỏe của sĩ quan.
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam được trình Quốc hội thông qua trong một kỳ họp.
'Lương hưu sẽ áp dụng mức cao nhất có thể khi cải cách tiền lương’ |
Đồng bộ trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân từ 1/9 |