Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT BCG. |
Sáng 28/4, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 theo hình thức trực tuyến. Theo báo cáo, hiện công ty có 39.752 cổ đông, với số cổ phiếu lưu hành là 533,4 triệu đơn vị. Có 197 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho 51,37% số cổ phần lưu hành, đủ điều kiện để tổ chức.
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT BCG cho biết, tập đoàn trải qua rất nhiều khó khăn trong năm 2022 do những biến động thế giới và trong nước về lãi suất, lạm phát, tắc nghẽn dòng vốn...
Trước bối cảnh đó, BCG đã linh hoạt thay đổi chiến lược, thay mở rộng đầu tư bằng tập trung tái cấu trúc, quản trị rủi ro. Đáng chú ý là quyết định của HĐQT trong quý 4/2022 về thoái các khoản đầu tư tài chính, thu hồi vốn để đảm bảo thanh khoản.
Ông Phạm Minh Tuấn – thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc đánh giá, mặc dù có những có kết quả không đạt được kế hoạch nhưng kết quả kinh doanh của Bamboo Capital năm 2022 là tích cực so với điều kiện thị trường, khi rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ.
Năm 2023, Bamboo Capital đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế tăng lần lượt 53% và 20% so với kết quả thực hiện được năm 2022, tương đương đạt 6.925 tỷ đồng và 650 tỷ đồng.
Với mảng năng lượng, ban lãnh đạo BCG nhận định cơ hội dài hạn vẫn lớn, nhưng hiện các chính sách chỉ mang tính ngắn hạn, chưa có lợi cho nhà đầu tư. Vì vậy, ông Tuấn cho biết công ty sẽ tạm thời chờ chính sách. Thay vào đó, công ty sẽ đẩy mạnh mảng xây dựng hạ tầng để tận dụng xu hướng đầu tư công đang được thúc đẩy, thông qua công ty thành viên Tracodi (mã TCD).
Mục tiêu kinh doanh của BCG trong giai đoạn tới. |
Trao đổi thêm với cổ đông về cơ hội của BCG trong xu hướng đầu tư công hiện tại, lãnh đạo BCG cho biết, mặc dù xây dựng hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển nhưng các doanh nghiệp trong ngành không phải ngẫu nhiên hưởng lợi, mà xuất phát từ năng lực cốt lõi.
Thành viên Tracodi của BCG có chứng chỉ xây dựng hạng 1 về đường bộ, dân dụng, đủ năng lực dự thầu các dự án lớn. Đặc biệt, tại vùng ĐBSCL, công ty có lợi thế khi có quyền khai thác một mỏ đá lớn tại đây, có cơ hội đưa trực tiếp vật liệu xây dựng vào dự án với giá thành tốt hơn.
Ngoài ra, công ty còn tính toán đến việc sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn để cung cấp cho các nhà thầu, hướng đến giá trị gia tăng sản phẩm. Đồng thời triển khai thực hiện quản lý thu phí và duy tu vận hành đường bộ. Trong 3-5 năm, khi mạng lưới cao tốc vùng ĐBSCL nhiều lên, lĩnh vực này sẽ mang lại cơ hội lớn cho BCG.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, Phó tổng giám đốc Phạm Minh Tuấn cho biết, mức giá chuyển tiếp hiện không tạo lợi nhuận cho chủ đầu tư. Tại BCG, dự án Phù Mỹ có 114MW thuộc nhóm giá này nên không có lợi nhuận, còn 216MW đã được hưởng giá FIT.
Theo ông Tuấn, Quy hoạch điện VIII sẽ là cơ sở để phát triển năng lượng tái tạo, BCG cũng có một số dự án dự kiến nằm trong quy hoạch, công ty sẽ tuân thủ các quy định pháp luật để được quyền phát triển.
Tiềm năng năng lượng tái tạo vẫn có nhưng bước thực tế sẽ phụ thuộc chính sách dài hạn hơn của Chính phủ về mức giá. BCG sẽ liên tục theo dõi các chính sách để đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời nghiên cứu mở rộng lĩnh vực trong truyền tải, tích trữ điện, lưới điện thông minh, cung cấp năng lượng xanh cho các KCN...
Liên quan đến vấn đề huy động nguồn vốn, Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam cho biết, chính sách tiền tệ thắt chặt tạo rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, BCG đã làm việc chặt chẽ với các ngân hàng để đảm bảo dòng vốn tài trợ. Đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, vốn là thế mạnh của tập đoàn, tìm tài trợ, tái tài trợ cho các dự án.
Ông Nam thông tin, vừa qua Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) đã tái tài trợ cho dự án năng lượng áp mái của BCG 50 triệu USD. Tập đoàn cũng đang làm việc với các ngân hàng quốc tế khác để tái tài trợ các dự án năng lượng, hạ tầng, với giá vốn rẻ. “Vì lý do bảo mật nên tôi chưa thể công bố tại đây, tuy nhiên sẽ rất sớm, khoảng 2-3 tuần nữa tập đoàn sẽ công bố thông tin”, ông Nam nói.
Với nguồn tài trợ từ các quỹ đầu tư, BCG cũng tiếp tục triển khai. Nhưng trong điều kiện hiện tại, ông Nam cho rằng mức giá phải hợp lý hơn. Đây là chia sẻ rủi ro, chấp nhận hi sinh nhất định để đổi lại sự ổn định, nâng cao tiềm lực tài chính.
Phó tổng giám đốc Phạm Minh Tuấn chia sẻ thêm, BCG tìm kiếm nguồn tài trợ khác nhau cho mỗi dự án. Mảng bất động sản chủ yếu là huy động từ các tổ chức tài chính trong nước, tài trợ cho dự án và người mua.
Năng lượng tái tạo thì hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Với mảng này, thời gian đầu có rủi ro cao, BCG làm việc với nhà đầu tư trong nước để cùng xây dựng, chấp nhận chi phí cao. Sau đó mới làm việc với các tổ chức quốc tế để tái tài trợ, giảm chi phí. Với hình thức này, tập đoàn đã thành công với các dự án điện mặt trời áp mái, 3 năm qua huy động được hơn 150 triệu USD, và sắp tới sẽ lớn hơn nhiều.
Với mảng xây dựng hạ tầng chủ yếu là vốn lưu động. Ngoài ra, BCG sẽ tiếp tục huy động vốn qua kênh chứng khoán, với kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 như trình đại hội, khi điều kiện phù hợp sẽ triển khai.
Ban lãnh đạo BCG trả lời cổ đông qua hình thức trực tuyến. |
Trả lời băn khoản của cổ đông về hệ số nợ và phần nợ xấu trên báo cáo tài chính, ông Phạm Minh Tuấn cho biết, BCG là tập đoàn đầu tư, với chiến lược từ 2019-2026 sẽ tập trung tăng trưởng, mở rộng đầu tư, mua và sáp nhập lớn các dự án nên dòng tiền âm là điều dễ hiểu.
“Giai đoạn 2019-2020, tập đoàn đầu tư lớn, tài sản tăng cao, nợ cao nên giai đoạn 2020-2021 chúng tôi đã thay đổi chiến lược, giảm nợ qua tăng vốn, tìm kiếm dự án có lợi nhuận cao để mang lại lợi nhuận lớn. Năm 2022, tỷ lệ nợ/vốn sở hữu đã giảm về ngưỡng chấp nhận được. Hơn nữa, tất cả các khoản nợ của BCG đều nằm trong dự án, đảm bảo công nợ”, ông Tuấn giải thích.
Về khoản dự phòng trên nợ xấu 138 tỷ đồng đã được BCG hạch toán ngoại bảng, Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam cho biết, khoản này 80% đến từ Bảo hiểm AAA và 20% đến từ Tradico. Khoản nợ xấu từ AAA đã tồn tại hơn 10 năm và khi mua lại, BCG đã trừ đi khoản nợ khó đòi. Vì vậy, ban điều hành quyết định xoá ra khỏi bảng cân đối, thu hồi ngoại bảng nếu được, để sạch sẽ báo cáo tài chính.
Nợ xấu của Tracodi đến từ hoạt động xây lắp. Với doanh thu 3.000 tỷ của Tradico, tỷ lệ khó đòi vài chục tỷ theo ông Nam là mức “rất tốt” trong ngành. “Những năm vừa qua công ty đã thực hiện nhiều biện pháp đề thu hồi khoản nợ này, và hiện đã đủ điều kiện để loại ra khỏi báo cáo tài chính. Những năm tới khi Tradico tập trung đẩy mạnh mảng hạ tầng, doanh số sẽ thần tốc và vấn đề quản lý khoản nợ sẽ phải tập trung hơn”, ông Nam cho biết.
Chia sẻ thêm về hệ số nợ vay, ông Nguyễn Hồ Nam lý giải, BCG hoạt động theo mô hình holdings. Thực chất, phần nợ của công ty mẹ BCG rất thấp, chỉ gần 500 tỷ qua trái phiếu. Còn nợ trên báo cáo tài chính hợp nhất (54 đơn vị, thành viên liên kết) là nợ dự án, bình diện chung đang cân đối. 4 năm trước, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của BCG khoảng 4-5 lần do tập trung tăng trưởng tài sản nhưng đã giảm dần và hiện còn 1,04. Mục tiêu của tập đoàn là tiếp tục nâng cao năng lực vốn để giảm tỷ lệ này về dưới 1.
Về kế hoạch niêm yết các công ty con, ông Nguyễn Thế Tài – thành viên HĐQT cho biết, do tình hình thị trường chứng khoán biến động nên HĐQT phải thay đổi tiến độ. Tuy nhiên kế hoạch sẽ vẫn tiếp tục. BCG Land đã nộp hồ sơ và sẽ IPO vào quý 2/2023. BCG Energy cũng đang chuẩn bị niêm yết trong năm nay. Còn Nguyễn Hoàng do các thị trường xuất khẩu đang khó khăn nên kế hoạch sẽ chậm lại.
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam và khu vực đang có cơ hội ổn định trở lại, dự báo vào cuối năm 2023 sẽ hồi phục. BCG đang chuẩn bị theo đúng kế hoạch, lần lượt đại chúng hoá tất cả các doanh nghiệp thành viên để nâng cao năng lực tài chính, tăng cường công khai minh bạch.