Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022) với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Mekong ASEAN đồng bảo trợ truyền thông.
Diễn ra trong 2 ngày 25-26/5, điểm mới của diễn đàn năm nay là hoạt động đào tạo phổ biến chuyển đổi số. VINASA sẽ tổ chức 3 chương trình đào tạo bao gồm: Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất và Chương trình đặc biệt Nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, diễn đàn sẽ thêm một chuyên đề lớn "Phát triển doanh nghiệp số" với các phiên hội thảo chuyên sâu về chuyển đổi số tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; giao thông vận tải - logistics; du lịch; thương mại; nông nghiệp; bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, kỳ vọng của diễn đàn là tập hợp được nhiều nhất các nguồn lực, có thể từ khối nhà nước, khối tư nhân đến khối các tổ chức quốc tế. Đồng thời từ doanh nhân, đội ngũ công nghệ thông tin đến các chuyên gia, từ kinh nghiệm đến nguồn lực tài chính để tăng tốc chuyển đổi số. Các nguồn lực và đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số cần ngồi cùng nhau, hợp tác, liên kết cùng nhau, phân định rõ vai trò để tạo ra những hệ sinh thái số hoàn chỉnh, phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
VINASA vừa thành lập hai ủy ban chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này trong giai đoạn 2022 - 2025 bao gồm: Ủy ban Phát triển Chính phủ số và Ủy ban Chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, 2021 là năm khởi động, phát động chuyển đổi số. Còn năm 2022 sẽ là năm tăng tốc chuyển đổi số làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, trên 95% các địa phương đã ban hành nghị quyết, kế hoạch hay chương trình về chuyển đổi số.
Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 27/QĐ-UBCĐSQG, ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, với những mục tiêu cụ thể của năm, về Chính phủ số: 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, 50% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục, 50% báo cáo của cơ quan hành chính thực hiện trực tuyến;
Về kinh tế số và xã hội số: 30% SMEs sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, 50% dùng hợp đồng điện tử, thương mại điện tử chiếm 7% tổng mức bán lẻ… Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã giao nhiệm vụ chi tiết cho các bộ, ngành.
Tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chỉ đạo năm 2022 lấy người dân là trung tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam, hướng tới phát triển một xã hội số. Khi xã hội số phát triển cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển chính phủ số, kinh tế số.