Điện thoại màn hình gập P50 Pocket của Huawei |
Theo một báo cáo được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, các lô hàng điện thoại màn hình gập được dự đoán đạt khoảng 9 triệu chiếc vào năm 2021, tăng 3 lần so với 2020. Vào năm 2023, công ty này dự đoán con số còn có thể tăng lên 10 lần.
Nhà sản xuất gần đây nhất tham gia vào thị trường này là gã khổng lồ viễn thông Huawei. Vào tháng 12, tập đoàn này đã tiết lộ sản phẩm P50 Pocket - thiết bị cầm tay có thể gập lại mới nhất của hãng. Sản phẩm này có thiết kế tiên tiến đến mức sau khi gấp lại có thể bỏ được vào trong ví.
Động thái này từ phía Huawei diễn ra sau khi nhà sản xuất điện thoại thông minh nội địa khác là Oppo trình làng mẫu điện thoại màn hình gập đầu tiên với cái tên Find N. Với mức giá 1207,7 USD, sản phẩm này có thể hoạt động như một máy tính bảng khi được mở hoàn toàn. Lúc đóng lại, nó có thể trở lại làm một chiếc điện thoại bình thường. Các nhà sản xuất Trung Quốc khác như Xiaomi và Vivo cũng đang rục rịch chuẩn bị phát hành các mẫu điện thoại màn hình gập của riêng mình.
Ông Chen Jun, phó chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của Sigmaintell Consulting, chia sẻ: "Các nhà sản xuất thiết bị cầm tay của Trung Quốc đang nhắm đến việc chiếm được thị phần lớn hơn trong phân khúc điện thoại cao cấp bằng cách tung ra các mẫu điện thoại màn hình gập”. Ngoài ra, ông cũng dự báo giá điện thoại màn hình gập sẽ giảm xuống ở mức 784,5 USD đến 941,2 USD trong năm 2022
Nguyên mẫu màn hình OLED của BOE Technology. Ảnh: BOE Technology |
Các lô hàng tấm nền OLED sử dụng cho điện thoại thông minh được cho là sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Từ con số 95 triệu chiếc năm 2021, con số này được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 160 triệu trong năm nay.
Ông Chen cũng bổ sung rằng các tấm nền OLED dẻo được sản xuất nội địa sẽ chiếm khoảng 37% đến 38% tổng sản lượng toàn cầu trong năm nay. Tỷ lệ này tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ sử dụng tấm nền OLED trên thị trường di động dự kiến cũng sẽ tăng lên 42% trong năm nay.
Ngoài màn hình dẻo, chi phí sản xuất của bản lề giúp các tấm nền thực hiện được độc tác gập và mở ra cũng như tấm phủ kính siêu mỏng vẫn ở mức khá cao. Nhờ sự hoàn thiện ngày càng cao của chuỗi cung ứng địa phương, các chi phí này có khả năng sẽ giảm xuống.
Gã khổng lồ Apple cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cục diện nếu tập đoàn này phát hành điện thoại màn hình gập vào năm 2023. Điều này sẽ khiến dòng điện thoại màn hình gập trở nên phổ biến hơn và còn có thể cải thiện năng suất cũng như quy mô sản xuất linh kiện cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
Sự xuất hiện của điện thoại màn hình gập cũng khiến nhu cầu về màn hình AMOLED gia tăng. Nhằm phá vỡ thế độc quyền của các nhà sản xuất Hàn Quốc trong ngành, các nhà cung cấp màn hình nội địa như BOE Technology, Visionox Technology và TCL China Star Optoelectronics Technology đều đang tăng gấp đôi việc sản xuất màn hình dẻo dùng cho điện thoại thông minh.
Kể từ tháng 6/2019, ông Xu Fengying, phó chủ tịch Visionox, cho biết công ty đã bắt đầu cung cấp công nghệ AMOLED cho camera dưới màn hình của Xiaomi. Nguyên mẫu điện thoại màn hình gập của Xiaomi cũng sẽ sử dụng tấm nền OLED từ Visionox.
Ngoài ra, chuyền sản xuất tấm nền AMOLED thế hệ 6 của TCL CSOT cũng đã bắt đầu đi hoạt động từ năm 2020.
Về phần BOE, công ty này sở hữu 3 dây chuyền sản xuất màn hình AMOLED dẻo thế hệ thứ 6. Bắt đầu từ tháng 10/2017, công ty đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tấm nền dẻo tại nhà máy của mình tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Dây chuyền sản xuất thứ hai của công ty tại Miên Dương cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên thì bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2019. Cơ sở thứ ba của công ty ở Trùng Khánh – cơ sở có tổng vốn đầu từ 7,3 tỷ USD - cũng đã bắt đầu sản xuất hàng loạt từ tháng 12 năm ngoái.
Zhang Yu, phó chủ tịch BOE, cho biết ở hiện tại, những cải thiện về công nghệ của tấm nền màn hình cho điện thoại thông minh chủ yếu tập trung vào ngoại hình, chức năng và chất lượng hình ảnh. Ông khẳng định "công nghệ AMOLED là tương lai của tấm nền điện thoại thông minh”.