Điều chỉnh thỏa thuận đấu nối các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

NĂNG LƯỢNG EVN
22:03 - 30/03/2023
Nhà máy điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận
Nhà máy điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chỉ đạo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) và các Tổng công ty Điện lực thành viên khẩn trương điều chỉnh nội dung thỏa thuận đấu nối các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Cụ thể, tại Văn bản số 1515/EVN-KH ngày 30/3, EVN giao EVN NPT và các Tổng công ty Điện lực rà soát các điều khoản của thỏa thuận đấu nối đã ký với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp thuộc đối tượng áp dụng theo Điều 1, Thông tư số 15/2022/TTBCT ngày 03/10/2022.

EVN yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để thực hiện việc điều chỉnh các nội dung của thỏa thuận đấu nối (bao gồm việc thực hiện gia hạn thời gian có hiệu lực của thỏa thuận), đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các điều kiện theo qui định tại Thông tư 15/2022/TT-BCT và các qui định pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các đơn vị kịp thời báo cáo (kèm theo kiến nghị cụ thể) trình EVN xem xét, có ý kiến.

Tại hội nghị gặp gỡ các chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp ngày 20/3 vừa qua, giải đáp về kiến nghị của chủ đầu tư liên quan đến việc gia hạn thỏa thuận đấu nối lưới điện, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã nêu, nếu thỏa thuận đấu nối lưới điện cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.

Đồng thời, EVN cũng vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị tháo gỡ một loạt vướng mắc chưa được Bộ hướng dẫn thực hiện như về thời hạn hợp đồng đối với dự án điện mặt trời, phương pháp xác định giá đàm phán (thông số đầu vào, nguyên tắc xác định giá điện), sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn... Do đó, EVN chưa có cơ sở để đàm phán với các chủ đầu tư dự án.

Cập nhật về tình hình đàm phán giá phát điện đối với các nhà máy điện NLTT chuyển tiếp, tính đến ngày 29/3 mới có 5 bộ hồ sơ được nộp, trong đó 4 hồ sơ bị trả lại do “chưa đáp ứng đủ các yêu cầu theo danh mục”, thông tin từ Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận.

Theo ông Vũ Ngọc Quynh, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu – TDC, đơn vị hiện có 1 phần nhà máy thuộc diện chuyển tiếp, việc Bộ Công Thương ra văn bản với thời hạn thỏa thuận, đàm phán giá điện trước ngày 31/3 là không khả thi.

“Hiện có 84 nhà máy điện chuyển tiếp thì EVN lấy đâu ra nhân lực mà đàm phán xong trong vòng 1 tuần”, ông Quynh chia sẻ, kể cả trong trường hợp tất cả hồ sơ đều đầy đủ và đáp ứng yêu cầu. Theo ông Quynh, thời hạn hoàn tất hồ sơ là 30/4 sẽ hợp lý hơn.

Tháng 9/2022, trong công văn phản hồi ý kiến liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, EVN cho rằng thời gian đàm phán giá phát điện điện và hợp đồng mua bán điện sẽ kéo dài.

Ngoài ra, các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để xác định định giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này.

Hơn nữa, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN.

Trao đổi thêm về việc huy động công suất các nhà máy điện NLTT chuyển tiếp đáp ứng đủ điều kiện vận hành thương mại trong thời gian chờ đàm phán và giá tạm tính, ông Quynh chia sẻ: “Tạm thời EVN áp dụng 90% giá điện nhập khẩu (theo đề xuất của một số chủ đầu tư tại hội nghị ngày 20/3 đề cập ở trên) là rất hợp lý cho thời gian chuyển tiếp.

Sau khi đàm phán được giá điện giữa chủ đầu tư và EVN thì áp dụng hồi tố. Bởi vì các nhà thầu cũng không thể chờ đợi lâu, còn máy móc thiết bị ngoài trời không vận hành sẽ bị xâm thực nước biển không khí... "Trong khi gió và năng lượng mặt trời là của trời cho. Nếu chúng ta giành được phút nào là được năng lượng phút đó, còn không sẽ lãng phí nguồn tài nguyên vô tận", ông Quynh nêu.

Tin liên quan

Đọc tiếp