Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đến phía Palestine ở biên giới với Ai Cập, ngày 21/10. Ảnh: Reuters |
Truyền hình nhà nước của Ai Cập sáng 21/10 (giờ địa phương) quay cảnh nhiều xe tải chở hàng tiến vào cửa khẩu Rafah để tiếp cận Dải Gaza. Phóng viên AFP cho biết có 20 xe tải thuộc Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập - cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ từ nhiều cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc, đã vào cửa khẩu biên giới.
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tiến vào cửa khẩu Rafah - biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza. Video: X/@iahmedsalih |
Văn phòng Truyền thông do lực lượng Hamas kiểm soát cho biết 20 xe tải đã tiến vào khu vực này vào, chở theo thuốc men, vật tư y tế và một số lượng hạn chế thực phẩm và đồ hộp. Với số lượng nhỏ như vậy, Hamas cho rằng số lượng hàng hóa sẽ không giúp cải thiện được "thảm cảnh y tế" tại Gaza.
Đại sứ quán Mỹ tại Israel cho biết họ đã nhận được thông tin này, đồng thời nhận định: "Nếu biên giới được mở, chúng tôi không biết sẽ mở cửa trong bao lâu cho công dân nước ngoài rời Gaza. Chúng tôi dự đoán rằng nhiều người sẽ cố gắng vượt biên khi biên giới mở cửa. Các công dân Mỹ cố gắng tiến vào Ai Cập sẽ phải đối mặt với một môi trường hỗn loạn và mất trật tự ở cả hai bên cửa khẩu".
Các nhân viên cứu trợ ăn mừng sau khi cửa khẩu Rafah mở. Ảnh: CNN |
Cơ quan này cũng nói thêm rằng tình hình vẫn "linh hoạt", nhưng "không thể đoán trước" và khuyên mọi người nên "xem xét sự an toàn và an ninh trước khi chọn di chuyển về phía biên giới hoặc cố gắng vượt biên".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên CNN ở phía biên giới Ai Cập, cửa khẩu Rafah đã đóng cửa ngay sau khi 20 xe tải đi qua.
Tờ Times of Israel cho biết có hơn 200 xe tải chở khoảng 3.000 tấn hàng viện trợ đã xếp hàng nhiều ngày qua tại khu vực gần cửa khẩu phía Ai Cập. Song những chiếc xe này vẫn chưa thể sang phía bên kia biên giới.
Cửa khẩu Rafah nằm giữa Ai Cập và Dải Gaza, ở phía bắc bán đảo Sinai. Đây là tuyến đường duy nhất tới Dải Gaza, không do Israel kiểm soát và là trọng tâm của nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo cho 2,3 triệu cư dân trong khu vực. Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện và tiến hành hàng loạt các cuộc không kích vào dải đất này, nhằm đáp trả cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Hamas nhằm vào lãnh thổ nước này ngày 7/10.
Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đã cảnh báo về "thảm họa nhân đạo" ở Gaza, trong bối cảnh lương thực đang cạn kiệt và nguồn cung cấp nhiên liệu cần thiết để duy trì hoạt động của máy phát điện dự phòng của các bệnh viện đã xuống mức thấp đến mức nguy hiểm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 20/10 đã đến cửa khẩu biên giới Rafah để giám sát các nỗ lực nhằm thúc đẩy cung cấp viện trợ nhân đạo qua biên giới vào dải đất ven biển này của Palestine.
"Những chiếc xe tải này không chỉ là chiếc xe thông thường mà còn là huyết mạch. Chúng là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết đối với rất nhiều người ở Gaza", ông Guterres nhấn mạnh.
Dòng xe tải chở hàng viện trợ xếp hàng tại khu vực gần cửa khẩu Rafah. Ảnh: Reuters |
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc cảnh báo các bệnh viện tại dải Gaza đang "trên bờ vực sụp đổ", do mất điện, bị chặn nhập khẩu nhiên liệu và tiếp cận nước sạch, cũng như thiếu thuốc men, thiết bị y tế và nhân viên có chuyên môn.
OCHA cho biết 60% cơ sở chăm sóc sức khỏe của Gaza đã đóng cửa. Trong khi đó, các bệnh viện đang vật lộn hoạt động khi phải tiếp nhận số bệnh nhân đang được điều trị hoặc được chờ điều trị đạt 150% công suất.
Theo báo cáo của OCHA, 3/5 cửa hàng bánh của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở Gaza đã đóng cửa hôm 20/10 do thiếu nhiên liệu và nguyên liệu. Bột mì trên khắp Gaza có thể hết trong "khoảng 5 ngày" và chỉ một trong 5 nhà máy ở Gaza hiện đang hoạt động.
Bộ Y tế Gaza cho biết, kể từ ngày 7/10, đã có 4.137 người thiệt mạng trong các cuộc không kích và tấn công tên lửa trả đũa của Isarel nhằm vào Dải Gaza, trong đó có 1.661 trẻ em.